Toàn cảnh Hội thảo |
Hôm nay, 18/3, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Hội thảo “A.I và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn”. Hội thảo là điểm nhấn nổi bật của Hội Báo toàn quốc 2023.
Chủ trì Hội thảo là ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; TS Tạ Bích Loan, Trưởng Ban sản xuất các chương trình giải trí (VTV3); PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam.
Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, hội thảo là nơi các chuyên gia, nhà báo, nhà nghiên cứu và quản lý báo chí thảo luận những định hướng ứng dụng công cụ A.I tại Việt Nam hiện nay và sử dụng ứng dụng A.I trong sáng tạo nội dung báo chí đa nền tảng. Hội thảo nhằm giúp các nhà báo, các cơ quan báo chí nói chung nhận diện rõ những cơ hội và thách thức của việc ứng dụng công cụ A.I trong công việc làm báo.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh. |
Phát biểu tại hội thảo, nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh: “Chuyển đổi số đã, đang là xu thế tất yếu diễn ra mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội hiện nay. Là lĩnh vực phản ứng nhạy bén với mọi biến động của đời sống kinh tế - xã hội, báo chí truyền thông cần đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Trước bối cảnh đó, báo chí phải chủ động đổi mới phương thức chuyển tải, mang đến những trải nghiệm mới cho bạn đọc thông qua các ứng dụng công nghệ số.”
Hội thảo diễn ra theo 2 phiên. Phiên 1 gồm 4 tham luận của 4 diễn giả là nhà báo, nhà quản lý báo chí, nhà nghiên cứu báo chí truyền thông. Nội dung các tham luận: AI và báo chí – Xu hướng trên thế giới và định hướng ứng dụng tại Việt Nam; Hiện tượng “Chat GPT”: Cú huých chuyển đổi mô hình kinh tế báo chí số trên cơ sở giá trị cốt lõi của mình; Thử nghiệm ứng dụng trợ lý ảo AI trong sáng tạo nội dung và quản trị tòa soạn; Kết quả thử nghiệm Chat GPT trong sáng tạo nội dung tác phẩm báo chí truyền hình ở Đài Truyền hình TP HCM (HTV).
Bên cạnh đó là những chia sẻ thảo luận về Ứng dụng AI trong sáng tạo nội dung báo chí đa nền tảng như: AI đã làm thay đổi lao động nhà báo và quy trình tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí số như thế nào? Có thể sử dụng AI vào những bước, những khâu cụ thể nào trong sáng tạo nội dung số? Ưu thế và hạn chế của AI trong sáng tạo nội dung báo chí là gì?...
Phiên thứ 2 mở đầu với thuyết trình chủ đề Ứng dụng Chatbot ở Báo điện tử VietnamPlus.vn - từ góc nhìn quản trị tòa soạn. Các diễn giả, khách mời và tất cả các quý vị tham dự trực tiếp và trực tuyến cùng thảo luận về các gợi ý ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các bước, các khâu trong quản trị sáng tạo nội dung tại toà soạn, như: Làm thế nào để tăng tốc sản xuất nội dung, quản trị được các hoạt động sáng tạo nội dung trong toà soạn? Khi ứng dụng AI, quản trị toà soạn đối mặt với những vấn đề gì, từ góc nhìn pháp lý, đạo đức, văn hoá?
Trí tuệ nhân tạo (Al) vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho báo chí
Theo ông Lê Quốc Minh, cơ hội của việc sử dụng AI, đặc biệt là ChatGPT hiện rất lớn. Có thể kể đến như: tạo ra những nội dung văn bản rất phức tạp chỉ từ những câu lệnh đơn giản của người dùng, giúp tăng tương tác với độc giả, cải thiện trải nghiệm người dùng bằng cách trả lời các câu hỏi cũng như giải đáp thắc mắc của khách hàng. ChatGPT và AI có thể sử dụng nhằm nắm bắt hành vi người dùng, từ đó có thể đưa ra các nội dung phù hợp với bạn đọc. Điều này không chỉ giúp độc giả được tiếp cận với nhiều nội dung hơn mà còn giữ chân họ ở tại tờ báo được lâu hơn.
Phó Tổng Biên tập Vietnamplus Nguyễn Hoàng Nhật cho rằng công cụ này rất thích hợp để trở thành trợ lý biên tập viên như lên ý tưởng, thực hiện nghiên cứu ban đầu cho một chủ đề, tiến hành xử lý hậu kỳ (tạo bài đăng cho mạng xã hội, tóm tắt và tối ưu hóa một chủ đề).
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại hội thảo. |
Về phía cơ quan quản lý báo chí, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, Bộ rất ủng hộ việc ứng dụng các công nghệ mới, đặc biệt là AI trong hoạt động báo chí. "Cần ứng dụng AI nhằm gạt bỏ những công việc, những kỹ năng mà máy có thể làm tốt hơn phóng viên, biên tập viên hoặc thậm chí là các nội dung tương tự trùng với tòa soạn khác. Điều này cũng sẽ tạo không gian và thời gian để các toàn soạn có thể sáng tạo ra các câu chuyện khác biệt, không đại trà, không thể sao chép và không AI nào có thể tổng hợp, có lẽ đây mới là hướng tác nghiệp mới trong hoạt động báo chí", ông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ.
Tuy nhiên, việc sử dụng AI cũng mang lại không ít nguy cơ. Theo ông Lê Quốc Minh, nguy cơ dễ nhận thấy nhất nằm ở hoạt động xuất bản nội dung của AI. Các tòa soạn phải sẵn sàng chịu trách nhiệm về mọi nội dung mà họ xuất bản, bao gồm cả các nội dung bị coi là bôi nhọ hoặc sai lệch do AI viết ra.
Một nguy cơ lớn khác đối với các tòa soạn xuất bản các tác phẩm do AI khởi tạo là việc tình cờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của bên thứ ba.
Tổng Biên tập báo Nhân Dân cũng cảnh báo: “Giờ đây, khi ChatGPT lướt toàn cõi mạng, đọc những đường link có nội dung liên quan rồi đóng gói câu trả lời trong một đoạn văn bản ngắn gọn, từ đó người dùng sẽ không còn truy cập tới các trang web như trước đây nữa. Điều này tất nhiên sẽ dẫn tới các tòa soạn mất đi nguồn thu đáng kể"
Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng, các phần mềm ứng dụng AI dù có nhiều tính năng vượt trội, nhưng xét đến cùng, đó cũng chỉ là một công cụ bởi khác với con người, AI không có nhạy cảm chính trị, không có lý tưởng, không có tính nhân văn, hoàn toàn không có trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí. Do đó, để làm chủ và sử dụng được công cụ số nói chung và các phần mềm ứng dụng AI nói riêng, mỗi nhà báo Việt Nam càng phải trau dồi năng lực và phẩm chất của một nhà báo cách mạng, học hỏi, thảo luận để có thể làm chủ công nghệ, chứ không để công nghệ dẫn dắt và làm chủ chúng ta.
Đặc biệt, trong bối cảnh hành lang pháp lý cho nền báo chí số của Việt Nam còn chưa theo kịp thực tiễn, những rắc rối pháp lý, sự đe doạ an ninh truyền thông, các vụ việc vi phạm bản quyền và các tranh cãi về đạo đức báo chí, trách nhiệm xã hội của báo chí khi ứng dụng báo chí tự động... là những thách thức lớn hiện nay.