Với việc sáng lập và xuất bản Báo Thanh Niên ngày 21/6/1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người đặt nền móng cho sự ra đời, phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam. Người làm báo là để làm cách mạng và phục vụ cách mạng, đồng thời luôn coi báo chí và những người làm báo là một bộ phận quan trọng, vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc và xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân.
Trong bài nói chuyện tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ III ngày 8/9/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.
Trải qua 94 năm đồng hành cùng đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam đã lập nhiều thành tích, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, báo chí cách mạng Việt Nam được chăm lo, xây dựng, phát triển toàn diện cả về quy mô, lực lượng, đội ngũ, loại hình, phương tiện và ngày càng có ảnh hưởng quan trọng, tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội.
Tác nghiệp trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh có một đội ngũ đông đảo các nhà báo, gồm các nhà báo Quân đội “vừa cầm súng, vừa cầm bút” và phóng viên các báo, đài không mặc áo lính. Báo chí quân đội, nhà báo chiến sĩ là một trong những lực lượng nòng cốt của báo chí cách mạng Việt Nam.
Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, báo chí ngày càng mở rộng chức năng, phạm vi ảnh hưởng của mình đối với xã hội và công chúng.
Trong bối cảnh nhân loại bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, báo chí nói chung, báo chí quân đội nói riêng chịu sự tác động sâu sắc trước những thay đổi nhanh chóng của công nghệ, phương thức làm báo và thị hiếu tiếp cận, nhu cầu hưởng thụ thông tin của công chúng.
Sự phát triển vượt bậc của công nghệ truyền thông mới mang lại nhiều tiện lợi cho báo chí dễ dàng tiếp cận hơn với công chúng, nhưng sức ép cạnh tranh thông tin từ mạng xã hội cũng tạo ra những thách thức đối với các cơ quan báo chí và những người làm báo. Tuy nhiên, những thông tin không được kiểm chứng trên mạng xã hội sẽ không thể thay thế được sứ mệnh cao cả của báo chí, vì tính chính xác, tin cậy, nhân văn đã trở thành giá trị cốt lõi và là lý do tồn tại của báo chí.
Vì vậy, các cơ quan báo chí cách mạng, những người làm báo chân chính cần thể hiện vị trí, vai trò, trách nhiệm xã hội của mình trong việc tiếp cận, thuyết phục công chúng bằng những sản phẩm báo chí, tác phẩm báo chí giàu tính nhân văn.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, một thách thức không nhỏ hiện nay là các thế lực thù địch tận dụng triệt để mặt trái của mạng xã hội ráo riết đẩy mạnh thực hiện “diễn biến hòa bình” nhằm “phi chính trị hóa”, “dân sự hóa” quân đội, hạ thấp uy tín quân đội và hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, kêu gọi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, xuyên tạc mối quan hệ quân dân, phủ nhận thành tựu quân sự, quốc phòng, bôi nhọ uy tín cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và quân đội.
Điều đó đặt ra đối với báo chí quân đội, nhà báo chiến sĩ, phải nhận thức rõ cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức của đất nước nói chung, quân đội nói riêng, từ đó đề cao trách nhiệm chính trị, xây dựng bản lĩnh vững vàng, tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam và báo chí quân đội, nỗ lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định, để làm tốt nhiệm vụ chính trị, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan báo chí trong và ngoài quân đội trong công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần xây dựng niềm tin cho bộ đội và nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội đối với đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần làm lan tỏa truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam và hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong xã hội; làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhận thức sâu sắc và tích cực ủng hộ, tham gia thực hiện nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Hàng năm, Bộ Quốc phòng đã chủ động gặp mặt lãnh đạo các cơ quan báo chí; tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố để cung cấp thông tin, định hướng công tác tuyên truyền về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu