Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã đánh giá chính xác mức độ trầm trọng của tham nhũng hiện nay chứ không còn coi “tình hình là ổn định” nữa. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cơ quan thẩm tra báo cáo này cũng đồng tình với nhận định trên. Tuy nhiên, việc dẫn ra hơn 1 triệu người kê khai tài sản mà không phát hiện một trường hợp nào vi phạm là rất đáng chú ý, mặc dù vẫn đánh giá là có trường hợp kê khai không trung thực.
Như vậy, ngay trong đánh giá tình hình trong báo cáo thôi cũng đã có mâu thuẫn, còn thực tiễn cuộc sống lại còn xa hơn, trường hợp thấy rõ nhất là cán bộ lãnh đạo sau khi nghỉ hưu thì xây biệt thự, con cái họ thì xe hơi, nhà lầu, “đất đai nhiều vô kể”. Ngay trong cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng thì người đứng đầu cũng đang bị thanh tra về việc bổ nhiệm ồ ạt lúc “hoàng hôn nhiệm kỳ”. Điều kỳ lạ là người tiền nhiệm của ông cũng đã mắc lỗi như thế, ông lại tiếp tục đi vào “vết xe đổ”. Hai dẫn chứng nhỏ đủ thấy việc kê khai tài sản để đảm bảo chống tham nhũng chỉ là hình thức, không có tác dụng gì và “tham nhũng bổ nhiệm” chưa được coi là một hình thức tham nhũng!
Về tội phạm, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an báo cáo trước Quốc hội là tình hình tội phạm có giảm, trong đó đặc biệt là tội hiếp dâm giảm đến gần 30% so với năm trước. Nhưng, báo cáo cũng đánh giá rằng tội phạm có tổ chức, đâm thuê, chém mướn,... đã quay trở lại. Đây thực sự là một tình trạng đáng lo ngại vì tội phạm có tổ chức bắt nguồn từ môi trường xã hội, phản ảnh rất rõ việc đảm bảo trật tự an ninh cũng như đời sống kinh tế. Thế mà, trong lúc này, Tòa án TP Hồ Chí Minh vừa xét xử một băng nhóm tội phạm bảo kê việc đòi nợ, đập phá tài sản người dân, Tòa cho hưởng án treo, mặc dù Viện kiểm sát coi đây là tội phạm nghiêm trọng, đề nghị mức án 4 – 5 năm tù.
Nghe Tòa tuyên, băng giang hồ này phấn khởi reo hò, đó là tiếng khiến dân lành khiếp sợ và xét xử như vậy, tội phạm có tổ chức không gia tăng mới là chuyện lạ. Cũng tại thời điểm này, UBND TP Hồ Chí Minh họp nghe báo cáo về tình hình kinh tế và an ninh xã hội, trong đó có nội dung tìm các biện pháp để kéo giảm tội phạm. Án treo cho tội phạm có tổ chức thì các biện pháp khác là vô ích mà thôi.
Giữa thực tế và báo cáo có một khoảng cách dù báo cáo chính là tổng kết từ thực tế và phản ảnh thực tế. Khoảng cách ấy càng gần bao nhiêu thì quyết sách càng đúng bấy nhiêu. Ngược lại, khoảng cách đó càng xa thì tất yếu, các biện pháp khắc phục trở thành vô nghĩa vì nó không phù hợp.