Dịch bệnh COVID-19 trong 2 năm qua đã tác động không nhỏ đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội. Trong đó rất nhiều người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp, mất đi việc làm, mất thu nhập... Hình thức làm việc cũng có nhiều xáo trộn, thay đổi để phù hợp với tình hình dịch bệnh. Chính vì thế, xu hướng chọn ngành nghề trong thời điểm này trở thành chủ đề nhận được sự quan tâm của nhiều người lao động.
Công nghệ thông tin là một ngành học "hot" trước cả khi dịch bệnh bùng nổ. Ngành này đòi hỏi người học phải hội tụ nhiều yếu tố như: Chịu được áp lực công việc cao; Có kiến thức sâu rộng về kinh tế - xã hội và các lĩnh vực bổ trợ khác; Sáng tạo và tư duy khoa học; Thích ứng nhạy bén với tốc độ phát triển của lĩnh vực trên toàn cầu; Thành thạo ngoại ngữ…
Nhận định các ngành nghề "hot" trong năm mới này, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho hay, nhóm ngành liên quan đến công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghệ sinh học sẽ phát triển.
Đây là những ngành tạo ra nhiều việc làm và đòi hỏi nhân lực chất lượng cao: "Thị trường sẽ chuyển biến từ thâm dụng lao động sang thâm dụng tri thức. Trong năm 2022, một số ngành sẽ phát triển như ngành y, chăm sóc sức khỏe và làm đẹp, kiến trúc, xây dựng, cơ khí, tự động hóa và điện, điện tử. Năm 2022 sẽ mở ra thêm các cơ hội cho lĩnh vực du lịch, dịch vụ, logistic, các hoạt động xuất khẩu giày da, dệt may".
Cùng nhận định về tiềm năng phát triển của những ngành nghề liên quan đến yếu tố công nghệ, ông Hồ Quốc Thân, Tổng Giám đốc IEX Group đánh giá, đây là sẽ lĩnh vực chiếm ưu thế trên thị trường lao động: "Xu hướng chuyển đổi số và nắm bắt công nghệ hỗ trợ cho quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp sau những ảnh hưởng của dịch bệnh, do đó những ngành nghề liên quan tới phần mềm, công nghệ sẽ là ngành nghề thu hút lực lượng lớn lao động, đặc biệt là lao động tri thức. Để người lao động đạt được những cơ hội việc làm phù hợp thì mọi người phải để tâm tới yếu tố công nghệ và chuyển đổi số trong doanh nghiệp".
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM, cho rằng dù có hay không dịch COVID-19, con người vẫn phải lao động, sản xuất mới có thể tồn tại và phát triển.
Dựa vào kinh nghiệp 40 năm làm công tác nhân lực, ông dự báo có 12 nhóm ngành nghề cần nhiều nhân lực trong giai đoạn 2022-2032. Trong đó, đứng đầu vẫn là ngành khoa học máy tính và công nghệ. Theo ông, công nghệ là ngành dẫn dắt kinh tế thế giới trong thập kỷ này.
Kế đến là các ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí và tự động hóa. Những ngành này sẽ cần rất nhiều nhân lực để đáp ứng nhu cầu sản xuất, xây dựng và phục vụ cuộc sống của con người, đặc biệt ở các nước đang phát triển như Việt Nam.
Theo đơn vị nghiên cứu thị trường lao động Adecco Việt Nam, sau đại dịch COVID-19, thị trường lao động ở Việt Nam sẽ tăng cường tìm kiếm nhân tài ở nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là trong các ngành công nghệ và truyền thông, sản xuất và kỹ thuật, dịch vụ tài chính, thương mại điện tử, y tế, năng lượng...