Bảng điểm ơi... đừng sợ!

Những tháng năm học trò là những nỗ lực, là niềm vui chứ không chỉ là sự áp đặt nặng nề… (Ảnh minh họa)
Những tháng năm học trò là những nỗ lực, là niềm vui chứ không chỉ là sự áp đặt nặng nề… (Ảnh minh họa)
(PLO) - Không biết từ bao giờ, cứ mỗi cuối kì, sau buổi họp phụ huynh, rất nhiều trang facebook cá nhân của các phụ huynh lại rộn ràng, rần rần bảng điểm của con, luôn chói lọi điểm 9, 10 hay giỏi toàn diện...

Rất hiếm học sinh trung bình

Mới đây, trên các diễn đàn và mạng xã hội đã lan truyền đi rất nhanh chóng một bảng điểm tổng kết năm học của một học sinh lớp 9 tại thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Đây là bảng điểm được cho là xuất phát từ Trường THCS Võ Việt Tân. Điều đáng nói, ở cột điểm miệng toàn bộ các môn em học sinh này đều được điểm 10. Có tổng cộng 11 môn học sinh này được điểm 10. Môn Ngữ Văn, một môn được coi là rất khó có điểm tuyệt đối, thì em học sinh này đã có đến 3 điểm 10, còn lại là 9,5 và 9,9. Điểm trung bình các môn cuối học kỳ 2 của học sinh này là 9,9, xếp hạng 2, còn điểm trung bình cuối năm là 9,9, xếp hạng 1 trong lớp…

Có thể nói, xưa nay điểm số “vô đối” như em học sinh trên là hoàn toàn hiếm hoi, vì rất ít các em học sinh giỏi nhất tất cả các môn, tuy nhiên, từ nhiều năm lại đây, số lượng học sinh giỏi trong một lớp luôn có tỷ lệ rất cao. Ngay cả với những lớp học lực không mấy nổi bật thì số học sinh giỏi cũng chiếm số lớn. Nhiều thầy cô giáo cũng cho rằng, nếu như với thế hệ 7x, 8x… trong lớp có 2/3 học sinh giỏi đã là lớp chọn rồi và em nào điểm cao toàn diện cũng chỉ là vài cá nhân xuất sắc trong một lớp giỏi chứ không có “đồng phục” học sinh giỏi như bây giờ…

Không ít giáo viên thời nay bày tỏ, có những lớp không có học sinh trung bình, họ đem câu chuyện này đi nói với một số bạn bè cũng là giáo viên ở các đơn vị khác thì cũng nhận được sự đồng cảm tương tự “bởi các trường mà đồng nghiệp của chúng tôi đang dạy cũng đang có tình trạng điểm cao như thế. Những nỗi buồn ấy không chỉ thoáng qua mà khi Phòng Giáo dục gửi bảng điểm thống kê của toàn huyện về trường thì thấy trường nào cũng có tỉ lệ học sinh giỏi cao chót vót như vậy. Có một điều chúng tôi không phủ nhận là trong những năm qua thì ngành Giáo dục cũng như các thầy cô giáo đã và đang cố gắng rất nhiều để hoàn thành nhiệm vụ của mình cũng như kế hoạch mà lãnh đạo địa phương đã đề ra. Tuy nhiên, việc nâng điểm cho học sinh một cách quá cao đang tạo nên rất nhiều hệ lụy cho các em học sinh và đặc biệt là với các em học sinh ở khóa sau. Những học sinh tích cực học tập thì không nói làm gì nhưng những học sinh vắng học nhiều, vào lớp thì quậy phá, ý thức học tập chưa tốt nhưng vì khi kiểm tra nhờ quay cóp bài vở của bạn bè, thậm chí được thầy cô thương trò mà “cấy” cho vài điểm số ở những cột không có điểm thì vô tình tạo cho học sinh một sức ỳ và ỉ lại rất lớn”.

Từ lâu, chúng ta vẫn nói về bệnh thành tích trong giáo dục, về những thế hệ đọc chép thụ động khi mà không chỉ học sinh mà cả thầy cô luôn phải chịu nhiều áp lực. “Nếu như học sinh phải đạt điểm 9, 10 thì phụ huynh mới hài lòng thì thầy cô phải chịu áp lực từ trên xuống. Bởi nếu thành tích giảng dạy của thầy cô thấp sẽ làm ảnh hưởng đến thành tích của tổ, của trường và cuối năm sẽ bị “lưu ý” trước hội đồng nhà trường, trước tổ chuyên môn. Cấp trên thì giao chỉ tiêu cho trường, trường giao cho tổ, tổ ấn cho giáo viên. Vậy nên, học sinh điểm cao thì nhà trường, giáo viên, phụ huynh đều… vui. Nhưng, học dở mà điểm cao thì hậu quả sẽ khôn lường cho xã hội”, là bày tỏ của người trong cuộc. 

Và ở góc độ khác, rất nhiều phụ huynh luôn thúc ép con mình phải bằng “con người ta”, trong khi năng lực của con hạn chế. Cùng với việc lo cho con vào trường điểm lớp chọn để “lấy le” đẳng cấp với đồng nghiệp, bạn bè nhưng lại quá sức so với khả năng của con, đã gây nên áp lực nặng nề với không ít học sinh. Nếu con bị điểm kém sẽ là điều không thể chấp nhận, trong khi vị phụ huynh đó trước đây cũng luôn ám ảnh với những môn học ấy. Thế nhưng, cuối năm, trừ những học sinh quá kém mới phải chịu điểm thấp, còn lại phần lớn vẫn điểm cao và phụ huynh không phải “hổ danh” với bảng điểm của con. Và mục tiêu cuối cùng là tiến tới các kì thi vào ĐH.

Khoe bảng điểm, nên không?

Trả lời câu hỏi này, chuyên gia tư vấn tâm lý Thu Hà (TP.Hồ Chí Minh) bày tỏ, công khai bảng điểm cũng là bao lực học đường. Du học sinh Trang Trinh cho biết, từ khi em sang Mỹ học, sướng nhất là không còn cảnh bị công khai điểm số cho mọi người bình phẩm. Điểm là chuyện riêng của mỗi học sinh mà. Du học sinh Vân Nguyễn từ Canada cũng cho biết, những thông tin cá nhân của học sinh chỉ có học sinh đó được biết. Không có gọi điểm cả lớp sau giờ kiểm tra. Không có bảng xếp thứ hàng tháng photo thành nhiều bản gửi cho phụ huynh. Không có bàn tán: “Tháng này mày đứng thứ mấy? Bài kiểm tra thằng kia được mấy điểm?” Tóm lại là không có sự so sánh và “thi đua”, một khái niệm dường như là cốt lõi của nền giáo dục Việt Nam. Theo luật, giáo viên bắt buộc phải bảo vệ thông tin cá nhân của học sinh.

PGS. TS Phương Mai đã viết: “Việt Nam là một trong những nước trẻ em chịu áp lực khủng khiếp nhất về học hành và thi cử. Những ký ức rùng mình thời đi học chưa bao giờ phai nhạt trong tôi. Đó là giờ kiểm tra miệng khi một học sinh bị đưa lên đoạn đầu đài trước sự chứng kiến của cả lớp và điểm số sẽ được thông báo thản nhiên từ miệng thầy cô giáo trước sự thán phục hay coi thường của đám đông. Đó là khi thầy cô mở sổ điểm ra và gọi tên theo số thứ tự để học sinh hô lên điểm số của mình giữa bàn dân thiên hạ. Điểm cao thì đắc chí, điểm kém thì tủi thân. Như một sự nhục mạ và mua vui tập thể, nơi danh tính của một đứa trẻ được xác định bằng giấy khen và tên trường, nơi lòng tự trọng của một đứa trẻ không đáng giá bằng sự giản tiện của quy trình, nơi giá trị bản thân được định nghĩa bằng những điểm số lẻ tẻ, nơi niềm vui học hành để hiểu biết cô đọng lại bằng nỗi sợ hãi, nơi quyền được học hành bị biến thái thành trách nhiệm nặng nề mà gia đình và xã hội cố tình hoặc vô tình khoác lên vai”. 

Ngược lại quan điểm trên, chị Phan Hồ Điệp - ĐH Sư phạm Hà Nội, mẹ “thần đồng” Nhật Nam bày tỏ: “Mấy năm gần đây, FB “tuyên chiến” với điểm giỏi. Một số người còn dọa “ủn phen” nếu có ai đó khoe bảng điểm và giấy khen của con lên FB. Mình cũng hiểu dụng ý của mọi người là mong chống lại “bệnh” thành tích, mong mang lại những khoảng riêng tư cho con, tránh áp lực… Nhưng mình không nghĩ nặng nề đến thế. Vì mình nhận thấy, điểm giỏi cũng chủ yếu ở cấp 1, lên cấp 2, 3 sự phân hóa rõ hơn, để đạt học sinh giỏi cũng “trầy vi tróc vẩy” lắm, không chớp mắt một cái mà được đâu.

Ở cấp 1, cấp học với mục tiêu dạy cho các em những điều sơ giản về kiến thức và đời sống, xếp loại học lực cũng chỉ dựa trên một bài kiểm tra chứ không phải quá trình. Trong tình hình đó, điểm giỏi cũng “bình thường” thôi mà. Có đến mức khiến chúng ta hoang mang rằng sao giỏi đâu mà lắm thế, nhiều giỏi như thế thì loạn, con cháu chúng ta sắp thành thiên tài hết rồi hay sao?

Trong một xã hội ngập tràn những thông tin đáng sợ thì một bảng điểm tốt, một lời động viên của cô giáo với bé nào đó, chẳng phải là một làn gió nhẹ nhàng sao. Đừng quá khắt khe với nhau có được không bạn?

Vì bạn cũng đâu biết, có khi với con người khác điểm giỏi ấy là bình thường nhưng với bạn đó bạn đó, để đạt được điểm ấy là biết bao nhiêu sự cố gắng nỗ lực vì bạn ấy hay lơ đễnh, bạn kém tập trung, bạn hay viết ẩu, bạn hay tính nhầm. Điểm giỏi cuối kì cũng chỉ như một dấu mốc rằng con đã cán đích trong 9 tháng trời bố mẹ đằng đẵng đón đưa, cả nhà cùng nhau giải một bài toán, mẹ giải thích cho con một từ con chưa hiểu, con đã cố để không viết sai viết hỏng từ nào trong bài kiểm tra… Điểm giỏi cuối kì cũng như một lời khen tặng rằng con cũng đã cố gắng rồi, sang năm con lại vui vẻ bước vào năm học mới với nhiều điều mới đợi con. Và giờ cứ tận hưởng mùa hè thật vui.

Mình đi dạy sinh viên, những khi các em tập dạy, mình rất nghiêm khắc. Nghiêm khắc ngay cả việc ăn mặc, có em đi dép lê lên lớp, mình nói em quay về kí túc thay. Em nào dạy sai kiến thức kiên quyết bắt dạy lại. Nhưng khi nào chấm điểm để lấy điểm chính thức, mình thường gọi các em lại nói: Bài em dạy đáng ra đạt điểm này nhưng cô tặng em thêm 2 điểm với nghĩa “tạm ứng niềm tin” cho em. Khi nào em ra trường, em trả lại niềm tin cho cô bằng việc lên lớp chỉn chu hơn, viết đẹp hơn, yêu thương gần gũi với học sinh hơn. Em nhớ nhé. Vậy nên rất nhiều sinh viên ra trường khi đạt được thành công gì đó nhắn tin cho mình nói: Cô ơi, hôm nay con gửi lại cô niềm tin mà năm ấy cô đặt vào con.

 Nên điểm số đâu có tội tình gì. Bạn chỉ lo điểm giỏi nếu bạn: Bằng mọi giá, bằng mọi áp lực để con đạt điểm như “con nhà người ta”. Bạn đi vòng cửa sau, bạn gây căng thẳng với cô để bắt cô cho thêm điểm. Bạn chẳng cần biết con học cái gì ở lớp, cái bạn cần chỉ là: Con được mấy điểm. Bạn đánh con, mắng con nếu thấy con không đạt điểm giỏi. Bạn coi điểm giỏi là “thuốc an thần”, bạn đắm chìm trong đó và nó khiến bạn hoàn toàn tin rằng con mình không có khiếm khuyết gì cả. Còn nếu như bạn biết chắc rằng, kèm theo với điểm giỏi hoặc kể cả điểm chưa giỏi đó: Con đã biết nói lời cảm ơn, xin lỗi. Con đã biết bày tỏ ý kiến cá nhân. Con thích đọc sách. Con biết tự phục vụ. Con vui vẻ mỗi khi đến trường. Con tuân thủ các nội quy chung. Con biết về những vất vả của bố mẹ. Con biết yêu thiên nhiên, yêu thương mọi người. Con hồn nhiên vui chơi, hồn nhiên nói cười, con không tự giam mình trong cái rọ của kiến thức. Con biết mình còn những hạn chế. Và hiểu rằng điểm không phải là tất cả thì khi đó, nếu cả nhà cùng thoải mái, bạn cứ đăng lên Fb với niềm vui bé mọn của người làm cha mẹ. Đừng tự tước đi những cảm xúc tích cực cần cho cuộc sống. Điểm ơi, đừng sợ!”.

Vâng, bảng điểm ơi, đừng sợ! Đừng sợ, nếu bạn biết con mình đang ở đâu, biết sức học  thực sự của con, biết rằng con đã nỗ lực ra sao,  chứ không chỉ là sự hào nhoáng chơi vơi…

Tin cùng chuyên mục

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị Tập huấn công tác pháp chế

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị Tập huấn công tác pháp chế

(PLVN) -  Trong 2 ngày 17 và 18/10, tại Trường Đại học Quy Nhơn (Bình Định), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị Tập huấn công tác pháp chế và báo cáo viên pháp luật ngành giáo dục năm 2024 cho cán bộ làm công tác pháp chế của các sở giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục đại học và trường cao đẳng sư phạm.

Đọc thêm

Giáo viên đang chịu nhiều áp lực ngoài chuyên môn

Đừng đặt những áp lực ngoài chuyên môn lên vai thầy, cô giáo, để họ được toàn tâm, toàn ý vào sự nghiệp “trồng người”. (Nguồn: S.T)
(PLVN) - Tại nhiều trường học, các nhà giáo đang phải đối mặt với nhiều áp lực lớn khi ngoài truyền đạt kiến thức còn phải đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của phụ huynh, nhà trường và xã hội, thậm chí đôi lúc giáo viên còn phải kiêm thêm các nhiệm vụ ngoài lề không liên quan đến giáo dục.

Khi bạo lực học đường lên bàn nghị sự

Các đại biểu trẻ em tại phiên thảo luận Tổ. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Bạo lực học đường vẫn luôn là vấn đề nhức nhối. Trong phiên thảo luận tổ của Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II vừa qua, các đại biểu đã đưa ra những đề xuất từ góc nhìn trong cuộc sâu sắc, đa chiều về phòng, chống bạo lực học đường…

Người già và những hành trình khác

Người già và những hành trình khác
(PLVN) - Dù đã về hưu nhiều năm, trở thành những cụ ông, cụ bà, nhưng rất nhiều người cao tuổi vẫn tiếp tục năng nổ tham gia các hoạt động. Họ xóa bỏ định kiến về người già trong xã hội, trở thành tấm gương, nghị lực để thế hệ trẻ noi theo.

Hi hữu: Một thí sinh từ trượt thành đỗ thủ khoa do "nhầm lẫn" khi hồi phách

Trường THPT Lê Hồng Phong (Bỉm Sơn, Thanh Hóa), nơi có thí sinh bị nhầm lẫn trong điểm thi vào lớp 10 năm 2024-2025.
(PLVN) - Do nhầm lẫn khi hồi phách của những người làm công tác chấm thi, một thí sinh ở Thanh Hóa đã được nhầm điểm và trở thành thủ khoa vào lớp 10 của Trường THPT Lê Hồng Phong, thị xã Bỉm Sơn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học Phổ thông năm học 2024 - 2025, dù cho điểm thi thực tế của thí sinh này là: trượt!