Không thể chỉ giới hạn với một cuộc cải cách Bộ Nội vụ mà cần song song hoàn thiện các cơ quan Công tố, An ninh Liên bang (FSB) và hệ thống tư pháp của Nga. Đề nghị này đã trở thành cơ sở của cuộc thảo luận xung quanh Khái niệm cải cách Bộ Nội vụ, do Ủy ban thuộc Viện Cộng đồng Nga trình bày.
Bà Ella Pamfilova, cố vấn Tổng thống Nga về nhân quyền tin rằng, đất nước đang đòi hỏi những biến đổi có chất lượng trong toàn bộ hệ thống bảo vệ pháp luật. Nhưng điều này là không thể nếu không cải cách toàn bộ cơ cấu lực lượng an ninh, thiếu sự hình thành các tòa án độc lập. Theo ý kiến của nhà bảo vệ nhân quyền, để đạt hiệu quả cải tổ cơ cấu cần thiết thu hút dư luận xã hội và các chuyên gia vào công việc này.
Trên thực tế, Hoa Kỳ và hầu hết các nước châu Âu mới đây cũng chấn chỉnh lại hệ thống bảo vệ pháp luật với một kịch bản tương tự. Họ đã đạt được thành công trong hoạt động này. Các nhà phân tích phương Tây ghi nhận Nga có chiến lược đúng đắn. Tuy nhiên, chuyên gia từ Hà Lan Anneke Osse cảnh báo không nên mong đợi những thành công chóng vánh. Cả ở phương Tây và ở Nga, cảnh sát đều không ưa gì cải tổ, nhưng đây là công việc cần làm.
Các thành viên Viện Cộng đồng Nga cũng tin rằng sự kiểm soát tiến trình cải cách từ phía các tổ chức xã hội là một điều kiện cần thiết. Luật sư Anatoly Kucheren, thành viên Viện Xã hội bổ sung rằng, hơn thế còn nên thu hút cả những người Nga bình thường. Ông Kucheren nói: “Đối với chúng ta, điều quan trọng là cải cách được thực hiện không vì lợi ích cải cách, mà vì lợi ích của con người. Tuy nhiên, chúng ta không nên chỉ "hoa gươm múa kiếm”, bởi hiểu rằng cải cách hệ thống Bộ Nội vụ là vấn đề cực kỳ phức tạp. Tất nhiên, chúng tôi rất hài lòng là các chuyên gia, chuyên viên, kể cả từ nước ngoài đã tham gia vào công tác này. Quan điểm và ý kiến của họ sẽ cho phép chúng tôi thu lượm những đề xuất hợp lý, giúp giải quyết nhiều vấn đề”.
Gần đây, người dân Nga đã có rất nhiều khiếu nại về lực lượng cảnh sát. Thêm vào đó là những vụ tội phạm lớn, có sự dính líu của các cán bộ trong ngành an ninh. Đặc biệt, khi công an trở thành tội phạm, bắn và giết người. Chẳng hạn trường hợp thiếu tá Evsyukov, chỉ huy cảnh sát một quận ở thủ đô Matxcơva, đã vô cớ nổ súng vào người dân trong một siêu thị.
Ông Vladimir Vasiliev đứng đầu Ủy ban An ninh Viện Duma quốc gia nói rằng, mặc dù vậy điều này không có nghĩa nên đổ lỗi và sa thải toàn bộ cảnh sát: “Cải cách đúng là cần thiết, nhưng cũng đừng nên vì thế mà hạ thấp giá trị các hoạt động của lực lượng cảnh sát bảo vệ người dân trước bọn tội phạm. Và nếu quay trở lại vấn đề cải tổ thì công việc này đang trong quá trình thực thi. Chúng ta thấy rằng, tình hình trật tự giao thông đang diễn ra những thay đổi, giảm thiểu con số tội phạm trên đường phố các đô thị. Và không chỉ lực lượng công an đang tiến hành cuộc cải cách. Cả một chương trình chống tham nhũng cũng đang hoạt động”.
Ủy ban thuộc Viện Cộng đồng đã trình bày loạt đề xuất mang tính cách mạng về cải tổ Bộ Nội vụ. Đó là chia lực lượng an ninh thành cảnh sát liên bang và công an địa phương, chuyển giao cho các cơ quan khác một số chức năng nhất định của Bộ Nội vụ, chẳng hạn như hộ tống tội phạm. Cũng không nên quên một thực tế, ý kiến của những người dân bình thường đã trở thành động lực thúc đẩy cuộc cải cách trong Bộ Nội vụ. Theo thừa nhận của các nhà bảo vệ nhân quyền, người Nga đang ngày càng quan tâm đến việc giải quyết các vấn đề xã hội.