Dòng nhạc indie có thực sự “khó nhằn”?
Nghệ sĩ indie sản xuất âm nhạc không phụ thuộc vào công ty quản lý, nhà sản xuất băng đĩa hay các chiến lược truyền thông định sẵn. Họ có thể theo học âm nhạc bài bản hoặc không, nhưng tựu chung lại, âm nhạc indie đơn giản thể hiện cá tính riêng của từng người sáng tác, người thể hiện, với quan điểm tập trung vào chất lượng hơn số lượng sản phẩm. Âm nhạc của họ không gò bó, có thể pha trộn nhiều thể loại, dòng nhạc khác nhau như pop, jazz, rock, R&B….
Những tưởng đây sẽ là dòng nhạc “khó nhằn” với khán giả, công chúng yêu âm nhạc bị cuốn hút bởi cái riêng và độc nhất, những lời tự sự chân thành,cùng sự tìm tòi thể nghiệm giản dị vốn ít khi xảy ra với dòng nhạc thị trường luôn được “chải chuốt” chỉn chu. Bên cạnh đó, cộng đồng nghệ sĩ indie dường như cũng có một nguồn nội lực bền bỉ, luôn dồi dào ý tưởng, và phá cách trong thể hiện.
Nhóm nhạc Cá Hồi Hoang là một ví dụ. Kể từ năm 2015, nhóm nhạc đã cho ra mắt các album “Chương II”(2015), “Giấc mơ giấy” (2016), “Gấp” (2017), và “Hiệu ứng trốn chạy” (2019). Như vậy, trung bình mỗi năm nhóm lại có một album nhạc “trình làng”. So với nhiều nghệ sĩ trẻ của dòng chính mặc dù đã nổi danh nhưng đến nay vẫn chưa “bỏ túi” một album nào, đây là một nhịp độ làm việc rất đáng nể phục.
Ban nhạc Cá hồi hoang - một ví dụ của dòng nhạc indie. |
Mặt khác, nhắc đến indie, khán giả sẽ ngay lập tức nhắc tới ban nhạc Ngọt với cả ba album “Ngọt” (2015), “Ng bthg” (2017) và “3 (tuyển tập nhạc Ngọt mới trẻ sôi động 2019)” (2019). Tự tin không bao giờ cạn kiệt ý tưởng, trưởng nhóm Ngọt – Trọng Thắng từng chia sẻ trên truyền thông “khi một album của nhóm ra lò tức là ý tưởng của album tiếp theo đã có”.
Một cách làm mới mẻ khác là củamô hình cộng đồng nghệ sĩHUB Community. Tức làtừ một nhóm nghệ sĩ chủ đạo, HUB chia các thành viên của mình thành các nhóm nhỏ, tương đương với các ban nhạc khác nhau, có phong cách, chất nhạc tương đồng để thoả sức sáng tạo và thực hiện những dự án âm nhạc đa dạng.
'Hoàng tử indie' Thái Vũ xác nhận kết hợp với hãng đĩa Warner Music Group. |
Ngoài ra, khán giả còn nhớ đến “quý cô” Mademoiselle “Loanh quanh” với âm nhạc “kể chuyện, dễ hiểu, trầm”; chàng trai Hà thành Trịnh Trung Kiên ngông nghênh cùng “Thế Kỉ 21 buồn”; Hakoota Dũng Hà cùng nỗi buồn khôn nguôi trong “Giọt buồn để lại”; hay Phạm Toàn Thắng “đóng khung” nhạc của mình trong “lãng mạn” và “bụi đời”…
Nói cách khác, sức hút của âm nhạc indie đến từ những sáng tạo khác biệt và sự năng động của các bạn trẻ trong một dòng nhạc “không đóng khung” và “bất quy tắc”. Như nhạc sĩ Dương Thụ đã gọi thế hệ các nghệ sĩ indie hiện nay là những con người “trong sáng”, tức là không đi theo tiếng gọi của những lợi ích vật chất và trở nên đại chúng.
Đừng để mất những bản sắc đã định hình
Từ khoảng năm 2015, sự phát triển của các nền tảng chia sẻ âm nhạc online miễn phí như Youtube, Soundcloud, Spotify,… âm nhạc indie trở thành trào lưu, hội tụ nhiều tài năng trẻ các miền. Sự quan tâm của công chúng có thể dễ dàng được nhận thấy tại các sự kiện âm nhạc như Thơm, Monsoon, Backstage 11, Bờ Hồ Fest,…
Ở một diễn biến khác, âm nhạc indie còn thu hút được sự quan tâm hợp tác của những “cây đa cây đề” trong làng nhạc Việt. Đơn cử, đĩa nhạc “Đi và đi” tập hợp 6 ca khúc khúc của các nghệ sĩ độc lập ở Hà Nội. HUB, Mạc Mai Sương hay Mademoiselle, Bluemato với sự dẫn dắt và “đỡ đầu” của vị nhạc sĩ kì cựu Dương Thụ.Chính ca sĩ Thanh Lam cũng từng chia sẻ về dự định thực hiện một CD cũng với những cái tên như Da LAB, Đen Vâu, Chillies… Nữ diva chia sẻ: “Âm nhạc của các bạn có tinh thần rất nhẹ nhàng. Họ hát với sự lạc quan, nhẹ tênh với cuộc sống, không chất chứa những vui buồn nặng nề. Đó là những cái hay mà tôi nghĩ mình cần cập nhật”.
Một số gương mặt thành công của dòng nhạc indie Việt. |
Nhạc sĩ Quốc Trung từng nhận định dòng indie đang cung cấp “những giá trị mới, những tiêu chuẩn tiệm cận được tư duy âm nhạc quốc tế” trong âm nhạc trẻ. Quả thực,không ít nhóm nhạc độc lập trong nước cũng đã nhận được lời mời biểu diễn ở các sân khấu quốc tế, xuất hiện trên các tờ báo quốc tế.
Năm 2009, đó là sự xuất hiện của Lê Cát Trọng Lý trong chương trình biểu diễn của nghệ sĩ Pháp nổi tiếng thế giới Francis Cabreltại Hà Nội, với sự hỗ trợ từ phía Viện Pháp. Nữ ca sĩ tiếp tục được mời biểu diễn song ca cùng ngôi sao nhạc pop-rock La Grand Sophie (Pháp) tại Liên hoan âm nhạc Việt - Pháp vào năm 2015. Tài năng của cô đã thu hút cả khán giả âm nhạc trong và ngoài nước.
Mặt khác, vào năm 2018, nhóm nhạc Da LAB cũng được đại diện âm nhạc Việt Nam, cùng đại diện của hơn 30 quốc gia khác, tham dựchương trình âm nhạc quốc tế MU:CON diễn ra ở Hàn Quốc. Sự kiện hàng năm MU:CON thu hút hơn 11.000 người tham dự với các hoạt động hội thảo về âm nhạc, liveshow, giao lưu âm nhạc...
Còn trong năm 2019, Ngọt là ban nhạc indie Việt Nam đầu tiên được xuất hiện trên tạp chí âm nhạc Billboard của Mỹ và nhận được những nhận xét tích cực từ giới truyền thông quốc tế.
Không thể phủ nhận, âm nhạc indie đã có những bước chuyển mình rõ rệt trong vài năm gần đây. Không chỉ thoả mãn nhu cầu giải trí của người nghe, dòng nhạc này còn gửi gắm âm hưởng của thời đại, tiếng nói của các bạn trẻ, và được khán giả trong ngoài nước đón nhận tích cực. Thực tế cũng cho thấy âm nhạc indie bắt đầu có xu hướng hòa chung vào thị trường âm nhạc đại chúng, qua những cái tên đình đám như Đen Vâu, Pink Frog, Lộn Xộn, Hải Sâm, Thái Vũ,Trang...
Liệu âm nhạc indie có còn giữ được tính nguyên bản và sự “trong sáng”trong bối cảnh hiện này và trong tương lai hay không?Chắc chắn câu trả lời mà khán giả mong đợi nhất vẫn là “có” và hơn thế nữa, việc giữ gìn và phát huy những bản sắc đã được định hình sẽ góp phần tăng thêm sự đa dạng trong đời sống âm nhạc Việt Nam.