Ngay hôm khai mạc Quốc hội (QH), Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị đại biểu (ĐB) nêu câu hỏi ngắn gọn, đúng phạm vi chất vấn vào các nhóm chuyên đề. Trong quá trình CV, ĐB có thể đăng ký tranh luận với thời gian cho mỗi vấn đề không quá 2 phút. Các thành viên Chính phủ, “tư lệnh” ngành được yêu cầu trả lời thẳng thắn, đúng trọng tâm câu hỏi và đặc biệt phải thể hiện được trách nhiệm, đề ra các giải pháp, lộ trình cụ thể để thực hiện.
Theo dõi CV&TLCV 2 ngày qua cho thấy, tinh thần đó đã được “quán triệt”, các “tư lệnh” đã thoát được “tư duy vòng vo” và thể hiện bản lĩnh của “tư lệnh” ngành. Nhiều cử tri cảm thấy sướng khi chứng kiến màn “kiểm tra” với thời gian 220 phút của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh bởi nội dung và cách tiếp cận vấn đề của người hỏi cũng như người trả lời.
Các lĩnh vực “sát sườn” đến đời sống người dân và thực sự đang rất nóng hiện nay như: công tác quản lý, điều tiết điện lực; thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo; hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ; thương mại điện tử và kinh tế số; công tác quản lý thị trường; phòng, chống gian lận thương mại; quản lý cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng… được gần 80 ĐB đưa ra chất vấn và Bộ trưởng Công Thương đã thể hiện bản lĩnh của “tư lệnh” ngành được giao quản lý, điều hành những lĩnh vực nóng, đã không vòng vo mà giải trình một cách rành mạch, thẳng thắn, chi tiết các vấn đề thuộc phạm vi quản lý.
Đáng xem nữa là trách nhiệm của cả người hỏi và người trả lời: Trong khi các ĐB đã “truy” đến cùng những vấn đề được cho là chưa thỏa đáng thì Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng không né tránh mà chủ động nhận trách nhiệm với những tồn tại của ngành Công Thương. Ông cho rằng, mỗi phiên CV là một cơ hội để Bộ tiếp tục được lắng nghe những ý kiến của ĐBQH, của cử tri cả nước, qua đó giúp cho Bộ Công Thương hoàn thiện và hoàn thành ở mức cao trách nhiệm và những nhiệm vụ chính trị và chuyên môn của mình.
Tiếp tục hoàn thành những công việc của mình được giao là sứ mệnh chính trị của mỗi “tư lệnh” ngành được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Tuy nhiên, bản lĩnh “tư lệnh” thì không phải ai cũng có và ý thức được. CV & TLCV không chỉ là một hoạt động đơn thuần của Quốc hội mà còn là bài kiểm tra của cử tri đối với các vị “tư lệnh”; sự sôi nổi, trách nhiệm của hoạt động chất vấn còn thể hiện tính dân chủ, công khai và minh bạch của hoạt động lập pháp nước nhà. Dù còn nhiều điều phải bàn, nhưng có thể thấy hoạt động này đã dần đáp ứng được kỳ vọng của cử tri và nhân dân, trong đó bản lĩnh “tư lệnh” ngành cần được đề cao, nhân rộng.