Thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng chống mua bán người (PC MBN) sáng qua - 27/10, đa số các ĐBQH đều nhất trí cần thiết ban hành Luật, nhưng vẫn băn khoăn về tên gọi của dự thảo Luật cũng như tính khả thi của một số qui định liên quan đến cơ chế hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, cơ chế bảo vệ nạn nhân, người tố giác tội phạm MBN…
Đặt gánh nặng lên vai cấp xã
Nhiều ĐB cho rằng, trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong việc hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân là tỷ lệ nghịch với nguồn lực tài chính của cấp chính quyền cơ sở này, nhất là ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa. Theo dự thảo luật, thậm chí cấp xã còn phải hỗ trợ tiền tàu xe cho nạn nhân để họ về địa phương hoặc đến các cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH), bố trí chỗ ở…
Đại biểu QH thảo luận tại tổ về Luật phòng, chống mua bán người. |
Với thực trạng hiện nay, quan điểm của ĐB Lê Văn Cuông (Phó Trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa) cho rằng, cấp xã chỉ có thể “tiếp nhận thông tin và “sơ cứu, cấp cứu” cho nạn nhân bị mua bán, sau đó chuyển sang các cơ sở BTXH” hay “giao cho Sở LĐTB&XH hoặc Công an huyện giải quyết tiếp” như ý kiến của ĐB Dương Ngọc Ngưu (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội).
Để phòng ngừa MBN hiệu quả, các ĐB thấy cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân vì phần lớn nạn nhân của MBN có học thức thấp. Bên cạnh đó, cũng phải ngăn chặn ngay từ những lĩnh vực nhạy cảm, dễ bị lợi dụng để MBN như xuất khẩu lao động, cho nhận con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài, du lịch…
Đặc biệt, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng, phải cụ thể hóa trách nhiệm của các cấp, các cơ quan, đề cao trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể xã hội như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… trong cuộc đấu tranh PC MBN thì luật mới khả thi.
Không lập trung tâm hỗ trợ
Lý do được đưa ra là để tiết kiệm, chứ “nếu mỗi luật được ban hành lại cần 1 bộ máy thì mỗi kỳ Quốc hội thông qua hàng chục luật sẽ phình bộ máy tổ chức”, Trưởng đoàn ĐBQH Thái Nguyên Nguyễn Văn Vượng đưa ý kiến. Thực tế, hiện có An Giang và Lào Cai đã thành lập trung tâm hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, nhưng vẫn phải đặt cạnh và hoạt động dựa vào các cơ sở BTXH của tỉnh.
Hơn nữa, tội phạm MBN chỉ tập trung ở một số địa bàn, không phải rải đều trên cả nước. Từ số liệu năm 2010, có 383 vụ việc với 774 nạn nhân, nếu chia trung bình mỗi tỉnh có khoảng 11-12 nạn nhân. Vậy thành lập thêm trung tâm hỗ trợ nạn nhân như dự thảo luật là không cần thiết theo nhận định của ĐB Bùi Thị Lệ Phi (TP.Cần Thơ).
Giải pháp tối ưu cho vấn đề này theo nhiều ĐB là củng cố, tăng thêm chức năng và nguồn tài chính cho 63 cơ sở BTXH trên cả nước (mỗi tỉnh có 1 cơ sở). Các cơ sở này đang giải quyết các vấn đề với nhiều đối tượng cơ nhỡ nên tiếp nhận các nạn nhân bị mua bán trở về là phù hợp. Và cũng tạo điều kiện cho việc tiếp nhận các khoản hỗ trợ cho các nạn nhân được thống nhất, tập trung.
Cần lực lượng chuyên phòng chống mua bán người?
Tội phạm MBN là vấn nạn nhức nhối, nhưng lực lượng chức năng PC MBN lại “mỏng”, nằm trong lực lượng công an và Bộ đội Biên phòng, khi lực lượng công an cũng đang quá tải.
Ngược lại với quan điểm của ĐB Ngưu cho rằng, bố trí lực lượng chuyên trách “là lãng phí”, ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) đề nghị tổ chức lực lượng chuyên trách đấu tranh PC MBN và giao cho lực lượng chuyên trách PC ma túy (gồm Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan và Cảnh sát biển “kiêm” luôn.
Còn nhiều ĐB khác thì lo ngại đến tính khả thi của qui định bảo vệ nạn nhân vì chưa thể xác định lực lượng nào đảm trách và khả năng đáp ứng việc bố trí lực lượng bảo vệ, nơi tạm lánh…
H. Giang - T. Hằng