Ngày 28/3/2023, ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã ký văn bản số 04/Ban IV gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo tổng hợp phản ánh, kiến nghị của các DN, hiệp hội quý I/2023.
Vấn đề nổi cộm tại Báo cáo này liên quan đến lĩnh vực thuế, DN phản ánh một số khó khăn, vướng mắc liên quan tới chính sách thuế hoặc quá trình thực thi chính sách thuế, bao gồm: Chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) (cho DN ngành gỗ, cao su, ...); Mức thuế GTGT chưa hợp lý của ngành phân bón; Khó khăn trong đóng thuế GTGT cho các DN ngành giấy cần thu mua phế liệu và DN một số ngành cần thu gom cát sỏi, gạch đá; Chậm cải thiện các chính sách thuế cho các DN kinh doanh các lĩnh vực kêu gọi xã hội hóa (y tế, giáo dục...).
Liên quan đến hoàn thuế, theo phản ánh của DN, quy trình hoàn thuế GTGT hiện đang kéo rất dài và không có thời hạn cụ thể khiến DN bị động, số tiền chờ hoàn của các DN lên hàng nghìn tỷ đồng, trở thành điểm nghẽn, tạo ra áp lực về dòng tiền đối với DN, đặc biệt trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, tiếp cận vốn khó khăn và lãi suất cao như hiện nay. Nếu tình trạng còn kéo dài, nhiều DN sẽ phải tuyên bố phá sản.
Cụ thể với ngành gỗ, theo ước tính của các DN sản xuất, xuất khẩu dăm gỗ và sản phẩm từ gỗ, số tiền chờ hoàn cộng dồn từ năm 2020 lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Theo phản ảnh của các DN, Hiệp hội gỗ, mục tiêu giám sát nguồn gốc gỗ ở khâu người trồng để đảm bảo gỗ đưa vào phục vụ sản xuất là từ rừng trồng hợp pháp trong nước, ngăn chặn gỗ nhập lậu và gỗ bất hợp pháp là đúng đắn nhưng việc áp dụng quy trình giám sát dàn trải, nhiều khâu trong xét hoàn thuế là không phù hợp với thực tiễn cũng như chưa phản ánh đúng mục tiêu quản lý thuế và đẩy hết rủi ro từ khâu trồng rừng (chưa phát sinh thuế) hoặc các khâu mua bán gỗ nguyên liệu cho khâu sản xuất, xuất khẩu (yêu cầu chịu trách nhiệm minh bạch về toàn bộ hóa đơn, chứng từ liên quan chuỗi cung; chịu thuế GTGT đầu vào và phải chờ xét hoàn thuế).
Cách làm này dẫn tới một thực trạng rất nóng vừa qua là, sau khi cơ quan chức năng phát hiện sai phạm ở khâu rừng trồng và mua bán gỗ nguyên liệu tại một địa phương phía Bắc, tất cả các DN nhóm “nhà mua” nguyên liệu chế biến gỗ đã thông báo đồng loạt dừng nhập nguyên liệu “gỗ đầu vào cho sản xuất” ở các tỉnh phía Bắc, ảnh hưởng tức thì đến chuỗi cung ứng và sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống của người lao động và hàng trăm hộ gia đình trồng rừng.
Cùng với đó, việc không nhất quán trong quan điểm, quy định, cách làm về truy xuất nguồn gốc gỗ giữa các cơ quan quản lý (Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính) đang gây khó cho quá trình thực thi của cả cán bộ công chức và sự tuân thủ của DN.
Để tháo gỡ cho vấn đề này, Ban IV đề xuất, Bộ Tài chính cần có quy định để phân loại DN trong quá trình thực hiện thủ tục hoàn thuế GTGT theo hướng: Đối với các DN hoạt động lâu năm, có uy tín trong kinh doanh, thì cho phép DN hoàn thuế trước, kiểm tra sau (hậu kiểm) để không bị gián đoạn sản xuất. Dựa trên kết quả kiểm tra sau, xử phạt nghiêm các DN vi phạm để phân biệt và không làm ảnh hưởng đến các DN chấp hành tốt pháp luật; Đối với DN mới thành lập, DN sản xuất các mặt hàng có tính rủi ro cao, thì thực hiện kiểm tra, xác minh trước sau đó mới tiến hành hoàn thuế.
Ngoài ra các cơ quan chức năng phối hợp đánh giá lại khâu nguy cơ cao về gian lận thuế trong chuỗi để giám sát tập trung; xem xét làm rõ trách nhiệm của từng DN/hộ kinh doanh trong chuỗi và hình thức xử phạt với các DN/hộ kinh doanh trực tiếp vi phạm thay vì dồn chế tài vào DN ở khâu sản xuất cuối cùng…
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban IV kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính (Tổng cục thuế), các bộ chuyên ngành tiến hành các hoạt động đối thoại trọng tâm với DN ngay trong Quý II và/hoặc rà soát theo chuyên đề để báo cáo Chính phủ các chính sách, quy định hiện hành hiện gây khó khăn, vướng mắc trong thực thi, hoặc chưa theo sát với xu hướng chính sách, quy định quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh thị trường toàn cầu có nhiều diễn biến phức tạp thời kì hậu COVID-19... từ đó cân nhắc các kế hoạch điều chỉnh, sửa đổi tổng thể để tạo đà cho DN phục hồi, bứt phá, tiếp tục hội nhập.