Bình Dương chỉ đạo chuyển đổi tên chủ đầu tư sang Kim Oanh
Sáng qua (18/12/2020), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – Chi nhánh Chợ Lớn (Agribank Chợ Lớn) chính thức bàn giao dự án Khu dân cư Hòa Lân cho Kim Oanh Group.
Dự lễ bàn giao có bà Nguyễn Thị Ái Thơ (PGĐ Agribank Chợ Lớn, bên bàn giao), bà Đặng Thị Kim Oanh (Chủ tịch HĐQT Kim Oanh Group), ông Nguyễn Phú Đức (TGĐ Cty CP Đầu tư & Phát triển Địa ốc Kim Oanh TP HCM, bên nhận bàn giao), ông Nguyễn Việt Hưng (Cty CP Dịch vụ Đấu giá Nam Sài Gòn, bên bán đấu giá tài sản), ông Nguyễn Văn Tú (GĐ Cty TNHH Sản xuất Thương mại Thiên Phú, bên có tài sản bị xử lý). Các bên đã cùng ký vào biên bản bàn giao đất trên thực địa.
Dự án Hòa Lân rộng hơn 50ha, nằm tại phường Thuận Giao, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, được chủ đầu tư cũ là Thiên Phú thế chấp ngân hàng. Tháng 5/2017, dự án được Agribank Chợ Lớn phát mãi, bán đấu giá thu hồi nợ xấu.
Cty Kim Oanh TP HCM (thành viên Kim Oanh Group) đã mua trúng đấu giá với số tiền 1.353 tỷ. Cùng với việc giải quyết các vấn đề tồn đọng chủ đầu tư cũ để lại, tổng số tiền Kim Oanh bỏ vào dự án là khoảng 1.600 tỷ đồng.
Khi dự án đang làm thủ tục chuyển đổi chủ đầu tư, tháng 2/2019, Thiên Phú khởi kiện đơn vị tổ chức cuộc đấu giá, đòi huỷ kết quả đấu giá, xin nhận lại dự án. TAND Quận 7 TP HCM (nơi có trụ sở đơn vị tổ chức cuộc đấu giá) thụ lý, ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp “cấm chuyển dịch quyền về tài sản” với dự án.
Sau gần hai năm với hàng chục phiên xử, ngày 12/11/2020, TAND Quận 7 đã bác các yêu cầu của nguyên đơn; hủy bỏ biện pháp ngăn chặn với dự án Hòa Lân. Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo kháng nghị, hiện đã có hiệu lực pháp luật.
Ngay sau đó, Kim Oanh đã làm thủ tục chuyển đổi chủ đầu tư. Ngày 11/12/2020 vừa qua, UBND tỉnh Bình Dương đã có Văn bản số 6057/UBND-KT giao Sở Xây dựng xem xét việc chuyển đổi chủ đầu tư dự án sang Công ty Kim Oanh.
Đến ngày 18/12/2020, các bên chính thức bàn giao trên thực địa dự án cho Kim Oanh Group. Sự kiện này chính thức khép lại vụ kiện Hòa Lân được dư luận đặc biệt quan tâm theo dõi nhiều năm nay. Tìm kiếm từ khóa “dự án Hòa Lân” trên trang tìm kiếm google.com, chỉ trong 0,61 giây đã cho ra 11.300 kết quả.
Tin tưởng hơn vào sự công minh của cơ quan chức năng
Tại lễ bàn giao, bà Đặng Thị Kim Oanh đã trả lời một số câu hỏi về “hậu trường” vụ kiện “có 1 không 2” trong lịch sử đấu giá:
Sau khi mua trúng đấu giá dự án Hòa Lân, bà gặp nhiều vướng mắc hay không?
- Có thể nói Hòa Lân là khởi đầu của một chuỗi những sự khổ sở. Chúng tôi trúng đấu giá cao hơn giá khởi điểm 400 tỷ. Khi đấu xong, tôi toát mồ hôi.
Rồi không ngờ đấu giá xong thì vướng rất nhiều. Chủ đầu tư cũ nợ thuế, nợ tái định cư, cho thuê mướn lung tung… Đúng ra những vấn đề đó ngân hàng và chủ đầu tư cũ phải lo, nhưng xác định để chủ đầu tư cũ và ngân hàng có chi phí thực hiện thì rất lâu, nên chúng tôi bỏ chi phí ra tất cả xử lý các phần việc còn lại.
Khi hoàn thành tất cả thì có đơn tố cáo và Thanh tra Bộ Tư pháp vào cuộc. Có kết luận thanh tra khẳng định cuộc đấu giá không có sai phạm vào tháng 12/2018, chưa kịp mừng thì bị kiện ở TAND quận 7.
Vậy có khi nào bà ân hận vì đã tham gia đấu giá dự án Hòa Lân?
“Thương trường là chiến trường”, nên tôi không ân hận. Nhưng có những lúc mệt mỏi, tôi đã từng thoáng suy nghĩ “biết cơ sự như thế thì đã không mua. Không đầu tư dự án này thì đầu tư dự án khác, vì sao một dự án mà cả tập đoàn khổ sở, vướng víu 3 - 4 năm trời.
Ba năm qua, Kim Oanh mất mất, thất thoát, tổn thương rất lớn về tinh thần đến vật chất, uy tín, danh dự. Triết lý kinh doanh của Kim Oanh là “Sản phẩm thật, giá trị thật”. Thế nhưng niềm tin của một số khách hàng bị ảnh hưởng. Một vụ kiện mà khiến hệ thống cả ngàn con người, gia đình, khách hàng bị hệ lụy. Một loạt nhân viên nhiều năm cống hiến ra đi đầu quân cho doanh nghiệp khác. Họ cần làm việc, cần kinh doanh, cần doanh thu... nhưng công ty vướng kiện tụng như vậy nên hiệu quả giảm sút, bị khách hàng hoài nghi.
Tuy nhiên, giờ này đây, nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, tôi khẳng định sự kiện “giông bão” này cũng giúp Kim Oanh lớn mạnh hơn, kinh nghiệm hơn, tin tưởng hơn vào luật pháp công bằng và sự công minh của cơ quan chức năng.
Bà sẽ thực hiện mô hình bất động sản nào ở dự án Hòa Lân?
- Từ 2018, chúng tôi đã mời nhiều chuyên gia nước ngoài xây dựng mô hình đô thị cao cấp, thông minh tại đây. Dự án sẽ có tỷ lệ đất ở ít hơn, tập trung vào môi trường sống và chúng tôi không đặt lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu tại dự án này. Tôi luôn coi Bình Dương là quê hương thứ hai. Dự án có vị trí cực đẹp, nên tôi theo đuổi đam mê muốn xây dựng một công trình ghi dấu ấn nho nhỏ cho địa phương, chứ không theo đuổi lợi ích cho riêng mình.
Bà còn điều gì muốn chia sẻ với bạn đọc?
- Qua sự việc này, tôi cũng thật lòng xin lỗi tỉnh Bình Dương, các cơ quan ban ngành, khách hàng, cán bộ nhân viên công ty; vì vụ kiện dù chúng tôi không mong muốn xảy ra, cũng đã ít nhiều ảnh hưởng đến địa phương. Chúng tôi luôn ý thức nguy cơ càng làm lớn chuyện thì càng ảnh hưởng đến địa phương và không muốn điều đó xảy ra, nên ba năm nay mới chấp nhận không ít thiệt thòi từ vụ kiện, để đi đến một kết quả tốt đẹp hài hòa đúng pháp luật như hôm nay.
Đây là một bài học kinh nghiệm để sau này chúng tôi làm tốt hơn, tranh thủ sự ủng hộ của tỉnh để doanh nghiệp thêm phát triển, đóng góp ngân sách và chăm lo đời sống nhân viên tốt hơn.
Xin cảm ơn bà!