Phát biểu tại lễ bàn giao, bà Akiko Fujii - Phó Giám đốc Quốc gia của UNDP tại Việt Nam - cho biết, những ngôi nhà vừa được bàn giao đã được xây dựng với các tính năng bổ sung để chống chịu được tác động của biến đổi khí hậu và các sự kiện thời tiết cực đoan.
Những nhà an toàn này sẽ mang lại lợi ích cho các hộ gia đình “cận nghèo” và “nghèo” theo tiêu chí của chính phủ, ưu tiên cho các hộ gia đình dân tộc thiểu số và gia đình khó khăn, người cao tuổi, người khuyết tật, hộ gia đình ở các vùng đặc biệt khó khăn và các huyện nghèo nhất của chương trình giảm nghèo của Chính phủ và những người dễ bị tổn thương khác.
Tỉnh Thừa Thiên Huế nằm dọc theo bờ biển Việt Nam và thường bị ảnh hưởng bởi bão và lũ lụt. Chỉ tính riêng trong năm 2017 đã có 5 cơn bão và 2 trận lũ lớn ảnh hưởng đến người dân nơi đây. Và dự kiến trong tương lai sẽ có nhiều bão và lụt xảy ra với mức độ thường xuyên và mạnh do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, theo đánh giá của UNDP, mặc dù hàng trăm người dân dễ bị tổn thương bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng cao và gió mạnh, nhưng những ngôi nhà địa phương-tài sản đáng giá của người dân nơi đây, vẫn chưa thích ứng với những mối nguy hiểm do biến đổi khí hậu gây ra.
Do vậy, Thừa Thiên Huế được chọn là 1 trong 7 tỉnh ven biển để thực hiện dự án quốc gia mang tên “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam”.
Dự án được hỗ trợ bởi Quỹ Khí hậu Xanh và được thực hiện bởi Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Xây dựng từ năm 2017 đến năm 2022.
Theo Phó Giám đốc Quốc gia của UNDP tại Việt Nam, dự án cũng đã tổ chức các khóa đào tạo có sự tham gia của cộng đồng để nâng cao kiến thức của người dân về quản lý thiên tai, biến đổi khí hậu và các hành động khí hậu để bảo vệ cuộc sống và tài sản của họ.