Tại hội thảo "Hiệp định CPTPP: Tăng cường hợp tác kinh tế-thương mại với các đối tác châu Mỹ" do Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức vào ngày 2/10 vừa qua, các chuyên gia, diễn giả đã bàn giải pháp để doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là của các nước thành viên CPTPP.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sang các thị trường CPTPP khu vực châu Mỹ đã tăng 56,3%, từ 8,7 tỷ USD năm 2018 lên đến 13,6 tỷ USD năm 2023. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vẫn chưa khai thác hết các lợi thế từ các quy định CPTPP đối với các thị trường ở châu Mỹ.
Các chuyên gia đánh giá, châu Mỹ là thị trường rộng lớn và có sự liên kết chặt chẽ với nhau thông qua các khối thương mại tự do đan xen như Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (USMCA), Liên minh Thái Bình Dương (PA), Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR)...
Các chuyên gia cũng cho rằng để hiệu quả và gia tăng khả năng tận dụng các ưu đãi thuế quan trong CPTPP, cần tăng cường kết nối các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là của các nước thành viên CPTPP.
Vì vậy, để tận dụng các lợi thế mà CPTPP mang lại, nhất là các nước thành viên trong khu vực như: Canada, Mexico, Chile và Peru... doanh nghiệp Việt Nam có thể xem xét thông qua việc xuất khẩu và đầu tư sản xuất tại các nước nêu trên để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang khu vực thị trường sôi động và đầy tiềm năng này.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang cho biết: Ngành dệt may đã bắt đầu thâm nhập vào thị trường CPTPP, đặc biệt là Bắc Mỹ và tăng trưởng rất tốt.
"Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2023 đạt 40 tỷ USD, 8 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 32 tỷ USD, trong đó thị trường CPTPP chiếm 16%, lớn nhất là Mỹ (chiếm từ 30-40% thị trường CPTPP)", Chủ tịch VITAS cho hay.
Tín hiệu đáng mừng đó đi đôi với những khó khăn, thách thức, buộc doanh nghiệp Việt Nam phải có những chiến lược thay đổi để thích ứng với yêu cầu đối tác đặt ra. Theo ông Vũ Đức Giang, CPTPP mang đến áp lực buộc ngành dệt may phải thay đổi, thích ứng với yêu cầu của thị trường, đa dạng hóa đối tác, khách hàng và các ngành hàng, nhất là khi các tiêu chuẩn mới đòi hỏi phải thực hiện các chính sách phát triển bền vững, sử dụng vật liệu tái chế, thân thiện môi trường.
Ngoài dệt may, ngành hàng có sự tăng trưởng kể từ khi CPTPP đi vào thực thi là thủy sản. Ngành đã ghi nhận tăng trưởng ở các thị trường châu Mỹ lần đầu tiên có FTA với Việt Nam, ví dụ như xuất khẩu thủy sản sang Canada đã tăng từ 7% lên 10%, trong đó tôm xuất khẩu của Việt Nam chiếm 1/3 thị trường Canada, là nhà xuất khẩu tôm lớn nhất tại thị trường này.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ, trong quá trình đàm phán, VASEP đã nhận thức đây là cơ hội mở ra cho ngành hàng, bởi thủy sản Việt Nam chiếm từ 25-27% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường CPTPP.
Ông Nguyễn Hoài Nam nhận định, dư địa cho xuất khẩu thủy sản sang châu Mỹ rất lớn, song mức tăng 3,4% chưa tương xứng với mức kỳ vọng là 8%, do đó cần thêm các hoạt động kết nối cụ thể, xúc tiến thương mại để tận dụng được lợi thế từ thị trường quan trọng này.
Bàn giải về vấn đề trên, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, cần có thêm cơ chế hợp tác chuyên sâu theo lĩnh vực, cơ chế hợp tác kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các nước châu Mỹ; các doanh nghiệp Việt Nam và các nước cần nắm rõ lợi ích cũng như cách thức tận dụng CPTPP để quan tâm hơn đến thị trường của nhau. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy hợp tác song phương trong CPTPP bằng cách xác định các chủ đề cùng quan tâm, xây dựng kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các nước, có thể mở rộng ý tưởng hệ sinh thái tận dụng FTA cho cả xuất khẩu và nhập khẩu.
Cũng theo ông Ngô Chung Khanh, cần tiếp tục tăng cường định hướng xuất khẩu sang các thị trường châu Mỹ, xác định lĩnh vực trọng tâm, doanh nghiệp trọng tâm, không dàn trải…