Trong đó, nhiều loại hàng cấm, hàng nhập lậu có dấu hiệu gia tăng, như: ma tuý tổng hợp, heroin, ngoại tệ, sừng tê giác, ngà voi, các sản phẩm từ động vật hoang dã, thuốc lá, xì gà…
Ngoài ra, các loại hàng hoá thiết yếu, có nhu cầu tiêu thụ cao, như: rượu, bia, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đồ điện tử, điện lạnh, điện thoại di động, thực phẩm, xăng dầu... cũng được các đối tượng sản xuất, vận chuyển, kinh doanh trái phép.
Thay vì tập kết trên xe tải có trọng tải lớn như các năm trước đây, nay các đối tượng xé lẻ hàng hóa và vận chuyển bằng xe mô tô, xe khách, xe tải có trọng lượng nhẹ từ biên giới hoặc từ các tỉnh giáp ranh với Hà Nội, như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc... vào sâu trong nội địa.
Hàng hóa vi phạm một phần nhỏ được sản xuất trong nước còn lại đa số được đặt sản xuất ở nước ngoài, sau đó thẩm lậu bằng nhiều đường khác nhau chủ yếu qua đường tiểu ngạch, đưa vào trong nước rồi vận chuyển, tập kết về Hà Nội để tiêu thụ và chuyển đi các tỉnh.
Ngoài ra, lợi dụng chính sách “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, một số đối tượng đặt mua hàng giả, hàng hóa không đảm bảo chất lượng được sản xuất từ nước ngoài có gắn nhãn mác “Made in Vietnam”, đưa về trong nước, trong đó có thị trường Hà Nội để tiêu thụ...
Thượng tá Cao Văn Lộc, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP Hà Nội) cho biết, vào thời điểm áp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 lực lượng chức năng liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, buôn lậu pháo. Ví dụ ngày 15/12/2019, Đội Cảnh sát kinh tế (Công an quận Hoàn Kiếm) phát hiện Lưu Chí Cường, sinh viên của một trường cao đẳng tại Hà Nội đang vận chuyển 37kg pháo.
“Đây chỉ là 1 trong hàng chục vụ việc vận chuyển, buôn bán pháo lậu mà lực lượng chức năng đã phát hiện trong thời gian qua. Điều đáng nói là có sự góp mặt người Trung Quốc trực tiếp buôn lậu pháo vào Việt Nam”, ông Lộc nhấn mạnh.
Các đối tượng còn sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook để buôn bán các mặt hàng cấm như pháo lậu, tiền giả. Các thủ đoạn thường được các đối tượng sử dụng như: Lập nhiều tài khoản facebook nhưng không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung... khi khách hàng hỏi chỉ nhận inbox. Cách thức mua bán pháo lậu chủ yếu trao đổi qua điện thoại với từng khách hàng đơn lẻ, thanh toán không dùng tiền mặt mà khách phải trả 30% tiền cọc bằng mã thẻ cào nạp tiền điện thoại, số tiền còn lại sẽ chuyển qua tài khoản khi nhận được hàng.
Không chỉ hoạt động buôn lậu diễn biến phức tạp mà việc sản xuất, kinh doanh hàng giả cũng trong tình trạng tương tự. Vừa qua, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra 7 cơ sở kinh doanh tại chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) đã phát hiện, thu giữ gần 3.000 sản phẩm thời trang giả mạo các thương hiệu Nike, Adidas, Lacoste, Louis Vuitton, Gucci... là minh chứng cho tình trạng DN Việt mua hàng giả ở nước ngoài, tuồn vào tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán là thời điểm các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, buôn lậu hoạt động mạnh nhất trong năm. Vì vậy trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường qua đó ngăn chặn hàng lậu, hàng giả.
Các lực lượng chức năng sẽ tập trung làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình thị trường, lập danh sách các đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các kho tàng, bến bãi chứa hàng lậu, phát hiện những vấn đề bức xúc, nổi cộm để có giải pháp xử lý kịp thời.
Song song với đó, trong công tác đấu tranh ngăn chặn hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, đặc biệt là hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam, các lực lượng chức năng sẽ đổi mới phương pháp thu thập thông tin, thống kê, phân loại các mặt hàng kinh doanh trên địa bàn, từ đó rà soát, sàng lọc các mặt hàng, nhãn hiệu có nguy cơ bị làm giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ giám sát, ngăn chặn phù hợp.