Thông tin này được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đưa ra tại Diễn đàn Nông nghiệp mùa thu 2019 do Liên minh Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức ngày 24/10.
Theo đó, nền nông nghiệp Việt Nam được phát triển chủ yếu dựa vào khoảng 10 triệu hộ nông dân cá thể với trên 76 triệu thửa và mảnh ruộng nhỏ lẻ, phân tán. Hiện các DN lớn đang có xu hướng đầu tư vốn vào nông nghiệp bằng cách chuyển một phần vốn từ kinh doanh công nghiệp, bất động sản, dịch vụ sang nông nghiệp.
Các DN này phải mua hoặc cho thuê lại quyền sử dụng đất của các nông hộ nhỏ lẻ. Vì vậy, trong thời gian qua, thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp đã phát triển nhanh với tỉ lệ diện tích đất nông nghiệp được thuê, mua ngày càng tăng.
Đặc biệt, kể từ khi Luật Đất đai có hiệu lực từ năm 2013 đã khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân, DN thực hiện dồn điền đổi thửa, nhận chuyển nhượng hoặc thuê lại quyền sử dụng đất để phát triển trang trại; hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, tạo ra chuyển biến lớn trong việc sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp, tập trung sản xuất quy mô hàng hóa lớn.
Tuy nhiên, diễn đàn đã chỉ ra nhiều rào cản chính sách trong tích tụ đất nông nghiệp. Cụ thể là hạn mức nhận chuyển nhượng sử dụng đất nông nghiệp vẫn còn hạn chế, không quá 10 lần hạn mức được giao; DN trong nước không được giao đất có thu tiền sử dụng đất nông nghiệp mà chỉ được thuê đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp; DN nước ngoài không được phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Đặc biệt quyền tài sản đối với đất nông nghiệp chưa được đảm bảo như các loại đất khác. Trong khi đó, chưa có quy định rõ vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ DN thuê lại hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp quy mô lớn.
Tại diễn đàn, đã có nhiều khuyến nghị thúc đẩy phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp gắn với sản xuất quy mô hàng hóa lớn. Nhiều ý kiến xuất, cần bỏ hạn mức chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và hạn mức nhận chuyển nhượng hiện nay làm mức khởi điểm để đánh thuế sử dụng đất nông nghiệp theo kiểu lũy tiến; quy định rõ và giám sát chặt chẽ diện tích tối thiểu để tránh tách thửa, làm manh mún nhỏ lẻ.
Mặt khác, cần xây dựng chính sách hỗ trợ các cá nhân đăng ký làm trang trại, gia trại song song với việc khuyến khích DN đầu tư vào các khu/cụm/công viên/trung tâm công nghiệp - dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp thông qua việc thuê đất.
Đồng thời, tiến tới xây dựng các trung tâm hỗ trợ chuyển nhượng, chuyển giao đất nông nghiệp để tạo thuận lợi cho quá trình tích tụ đất nông nghiệp theo nhiều hình thức, bao gồm cả chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn và hợp tác kinh doanh.
Có như vậy mới xây dựng được thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất quy mô lớn cũng như phát huy quyền tài sản đối với đất nông nghiệp, định hướng độc lập theo hướng giá trị tài sản đất và bất động sản gắn liền với quy hoạch vùng.