Vị chánh án ở tòa án Suffolk thuộc bang New York của nước Mỹ, 44 năm sau khi Keith Bush bị bắt và kết tội, đã phát biểu như sau: “Tôi không thể trả lại được cho ông những gì ông đã bị lấy đi từ những năm 70 của thế kỷ trước. Nhưng tôi có thể trả lại cho ông sự vô tội của ông”.
Chuyện xảy ra năm 1975. Khi ấy, Keith Bush mới 17 tuổi. Cô bé 14 tuổi Sherese Watson bị xâm hại tình dục và sát hại. Keith Bush bị tình nghi và bắt giữ bởi cả hai đều có mặt trong một cuộc liên hoan và vũ hội ở nơi cả hai cùng sống.
Keith Bush bị kết án tù chung thân bởi một cô gái khác khai báo với cảnh sát rằng đã nhìn thấy Keith Bush và Sherrese Watson cùng nhau rời khỏi cuộc liên hoan và vũ hội kia. Keith Bush luôn kêu oan và cho biết trước tòa là đã thú nhận phạm tội bởi bị cảnh sát tra tấn ép cung đến mức không thể chịu đựng được nữa. Dù vậy, anh chàng này vẫn bị khép tội và kết tội.
Năm 1980, cô gái với lời khai nói trên với cảnh sát thú nhận công khai là đã nói dối và không hề có mặt ở cuộc liên hoan và vũ hội định mệnh kia, tức là không thể có chuyện đã nhìn thấy Keith Bush và cô bé cùng nhau rời khỏi nơi ấy. Tuy nhiên, cả cảnh sát lẫn phía công tố đều không chấp nhận lời thú nhận này của cô gái.
Năm 2008, Keith Bush được ra tù nhưng không phải là người vô tội hay mãn hạn tù, mà chỉ được chuyển thành án tù treo chung thân, bị chính thức coi là kẻ có tiền án tiền sự, phạm tội xâm hại tình dục phụ nữ và phải đáp ứng nhiều điều kiện rất ngặt nghèo của án tù treo. Vì không đáp ứng đầy đủ những điều kiện này mà anh ra đã từng lại phải vào ngồi tù một năm.
Vì Keith Bush tiếp tục kêu oan nên vụ án của người này được xem xét lại. Khi ấy, người ta dễ dàng có thể xác nhận là Keith Bush không thể là thủ phạm. Thủ phạm cũng đã được xác định, nhưng đã chết từ lâu rồi.
Vụ việc này được dư luận để ý đến nhiều ở nước Mỹ vì 33 năm chịu tù oan và thêm 11 năm kiên trì đấu tranh nữa thì Keith Bush mới được “trả lại sự vô tội” của mình. Quãng thời gian 44 năm bị đeo đẳng ô danh. Công lý trong trường hợp này là cần thiết, nhưng rõ ràng cũng không thể đủ để bù đắp lại tất cả những tổn thương và chịu đựng, mất mát và thiệt thòi của người đàn ông này.
Và câu hỏi không thể không được đặt ra cùng ở đây là vì sao cả cảnh sát lẫn phía công tố và tòa án lại có thể cùng mắc sai lầm tai hại đến như vậy? Tại sao lại chỉ vì muốn kết án ai đó là thủ phạm mà bất chấp mọi chứng cứ có lợi cho bị cáo? Câu trả lời chỉ có thể là tất cả đều coi thường số phận của những con người bình thường trong xã hội.