Tìm cái chết để kết thúc “bể khổ”
Chuyện xảy ra khoảng 22 năm trước, tại một ngôi làng thuộc huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Năm 20 tuổi, Sáu kết hôn với anh Ngô Văn Q. (SN 1965) và lần lượt có với nhau 2 cô con gái.
Vì cuộc sống túng quẫn, vợ chồng “cơm không lành, canh không ngọt”; thêm vào đó, người chồng sớm xỉn chiều say, nhiều lần đánh đập, hành hạ người “đầu ấp, tay gối”. Giọt nước rót mãi cũng có ngày tràn ly, nỗi oán hận của người vợ bị dồn nén từ ngày này sang tháng nọ, rồi lên đến “đỉnh điểm”.
Hè năm 1996, sau 1 lần mâu thuẫn với chồng, Sáu suy nghĩ trong bế tắc nên muốn được cách giải thoát khỏi cuộc sống. Sáu ra chợ mua thuốc chuột, thuốc tẩy giun sán cho gia súc và 1 chai nước ngọt rồi hòa chung cả 3 hợp chất này với nhau. Sau đó, Sáu dắt 2 đứa con gái ra cánh đồng gần nhà. Tại đây, Sáu uống nửa chai chất độc rồi đưa cho 2 con uống phần còn lại.
Người dân trong làng phát hiện 3 mẹ con Sáu nằm bất tỉnh trên đồng liền đưa đi cấp cứu. Hai đứa con gái vì còn quá nhỏ nên đã ngấm thuốc, tử vong; còn kẻ muốn chết nhất là Sáu lại vượt qua lưỡi hái của tử thần.
Cuộc trốn chạy “bất đắc dĩ”
Vì can tội giết con nên Sáu bị điều tra nhưng cho tại ngoại vì lý do sức khỏe. Được một thời gian, Sáu lén bỏ trốn vào Lâm Đồng nhưng không phải vì sợ bản án của pháp luật mà vì “bản án của lương tâm” luôn dày vò và trước những lời dị nghị của bà con lối xóm.
Vào Lâm Đồng một thời gian, người phụ nữ này nảy sinh tình cảm rồi dọn về sống chung với một người đàn ông sinh năm 1973 và có với nhau 2 cậu con trai. Tại đây, Sáu đăng ký tạm trú với tên mới là Trần Thị Hương (SN 1971). Đến năm 2013, người chồng thứ hai qua đời.
Mới đây, Trần Thị Sáu bị cơ quan điều tra bắt giữ theo lệnh truy nã và bị di lý ra Hà Nội để phục vụ điều tra về tội Giết người, theo Điều 123 Bộ Luật hình sự 2015.
Một luật sư bào chữa cho Sáu kể, chia sẻ với chúng tôi, Sáu không cầm được giọt nước mắt xót xa nén chịu trong suốt 22 năm qua của mình, bản thân bà luôn day dứt, ám ảnh về tội lỗi đã gây nên với 2 cô con gái.
Trong suốt 22 năm trốn chạy,nhiều lần cảm thấy ân hận, day dứt, Sáu muốn tự tử chấm dứt cuộc sống hoặc về đầu thú, nhưng ngoảnh đầu nhìn lại, thấy 2 cậu con trai còn quá nhỏ, cần bàn tay chăm sóc của mẹ nên đành ngậm ngùi ôm nỗi đau.
Dù biết tội lỗi Sáu gây ra là rất lớn, nhưng người phụ nữ này còn phải gánh chịu “bản án lương tâm” lớn hơn rất nhiều. Quá trình phạm tội của Sáu 1 phần bị tác động về tâm lý, cuộc sống nghèo khó, túng quẫn, đè nén, áp bức của chồng nên mới muốn chết cùng 2 con.
Sáu trải lòng về cuộc sống cơ cực và nỗi lòng của bản thân khi gây nên lỗi lầm cho 2 con gái trong quá khứ. Sáu kể về những đêm đang ngủ, nằm mơ thấy 2 con gái nhỏ về đòi mẹ mà nghẹn ngào, chua xót. Người phụ nữ này nói, bây giờ bà sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật và mong 2 cô con gái không oán trách mẹ. Nếu có sự khoan hồng của pháp luật, Sáu muốn có cơ hội gặp mặt 2 con trai cho thỏa lòng nhớ mong.
Nhìn từ góc độ xã hội và lương tâm
Thiết nghĩ, việc Sáu đang tâm giết hại con gái của mình là một hành vi đáng lên án và trừng trị theo pháp luật. Nhưng xét ở một khía cạnh nào đó thì hành động sai lầm của người phụ nữ này một phần lỗi cũng do người chồng.
Bởi trên đời này, không có bất kỳ tình cảm thiêng liêng nào bằng tình mẫu tử, họ sẵn sàng hy sinh, chịu muôn vàn khó khăn, chịu sự dày vò của những cơn ốm nghén, chuột rút, mệt mỏi suốt 9 tháng 10 ngày, họ sẵn sàng đối diện với cánh cửa “sinh tử” để cho con của mình được cất tiếng khóc chào đời.
Vì lẽ đó, không một người phụ nữ nào trên thế giới này có ý nghĩ từ bỏ hoặc giết hại “giọt máu” của mình cả. Có chăng cũng chỉ là do cơn xốc nổi, là sự bi quan, chán nán, có vấn đề về tâm lý (hoang mang, lo lắng, trầm cảm, loạn thần…), bị đẩy vào đường cùng mà thôi.
Một giả thiết đặt ra, nếu người chồng trong câu chuyện trên biết yêu thương vợ con, không rượu chè be bét, đánh đập vợ con mà chí thú làm ăn, trân trọng người phụ nữ của mình thì liệu rằng người phụ nữ ấy có rơi vào bế tắc, nảy sinh ý nghĩ tìm đến cái chết và tự cho mình cái quyền “định đoạt” mạng sống của 2 con?
Hẳn người mẹ trong câu chuyện này phải trải qua những tháng ngày đằng đẵng sống trong nỗi ám ảnh, day dứt vì “lỡ tay” giết hại con gái của mình. Nhưng bà cũng không thể tự kết liễu cuộc đời của mình khi cuộc sống hiện tại, với mái ấm mới và 2 đứa con trai bé bỏng cần vòng tay yêu thương của mẹ.
Người mẹ trong câu chuyện này vừa đáng trách nhưng cũng thật đáng thương. Bởi không có bản án nào đau đớn bằng “bản án lương tâm”!