Ngay cả UBND tỉnh Kiên Giang gần đây cũng xác định, tại Phú Quốc tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép, lấn chiếm đất rừng, đất nhà nước quản lý có chiều hướng gia tăng; quản lý trật tự đô thị còn lỏng lẻo, xây dựng không phép, trái phép còn xảy ra nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả… Nói tóm lại, trước khi trở thành khu hành chính kinh tế đặc biệt, chính quyền sở tại bất lực, khoanh tay đứng nhìn.
Không riêng gì 03 địa danh trên, từ lâu những dấu hiệu các nhóm lợi ích chi phối, sẵn sàng thay đổi quy hoạch khiến một số khu đô thị thành “dị dạng”, tắc nghẽn đã trở thành “chuyện thường ngày” ở Việt Nam.
Điều đáng chú ý là, việc thay đổi quy hoạch diễn ra hầu hết theo hướng các quỹ đất công cộng, cây xanh bị biến thành các cao ốc. Dù rằng, khi thay đổi quy hoạch chi tiết các dự án, các lý do đưa ra đều “tốt đẹp” và “đúng quy trình”.
Gần đây nhất, đầu năm 2018, nói chuyện với các cán bộ hưu trí, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Trương Quang Nghĩa thừa nhận: “Thời gian qua, công tác quản lý quy hoạch đất đai, đô thị có rất nhiều vấn đề. Có hiện tượng ban đầu quy hoạch rất đẹp nhưng sau đó bị “băm nát”. Quy hoạch ban đầu có công viên cây xanh nhưng sau đó lại bị xẻ ra làm việc khác. Vì vậy, bây giờ tất cả các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt thì không ai được phép can thiệp”.
So với Hà Nội, Đà Nẵng thua xa. Đầu năm 2017, làm việc với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung phải thốt lên: “Chúng ta đang phải trả giá vì đã làm quy hoạch “băm nát” Hà Nội. Vừa qua, có những khu đất 5 – 7ha cũng “băm” ra cho 2 - 3 chủ đầu tư”.
Nhưng, không chỉ bị “băm nát” do “chia phần” mà nguy hại hơn là nó bị “băm nát” bởi việc mượn danh điều chỉnh quy hoạch để… phá quy hoạch. Chẳng hạn “Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm” (Hà Nội) vốn lúc đầu là một khu được quy hoạch tổng thể tốt, hài hòa và xứng đáng là kiểu mẫu, nhưng sau vài lần thay đổi quy hoạch, nhiều khu đất công cộng đã biến thành các tòa chung cư cao ngất trời.
Điển hình, quỹ đất công cộng rộng hơn 4 ha ở đầu bán đảo Linh Đàm đã bị biến thành 12 tòa chung cư cao 40 tầng. Hậu quả, hiện nhiều hộ dân có điều kiện đang “tháo chạy” khỏi khu “ổ chuột” đang bị quá tải trầm trọng cả về hạ tầng kỹ thuật lẫn hạ tầng xã hội. Chỉ vậy thôi đã cho thấy những người đã ký quyết định thay đổi quy hoạch không phải là “băm nát” mà là “nghiền nát” quy hoạch tệ hại như thế nào.
Nói thẳng băng điều này, đó là những dấu hiệu cho thấy, các nhóm lợi ích chi phối việc thay đổi quy hoạch khiến nhiều khu đô thị “dị dạng”. Những nơi như Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc bị “băm nát” để rồi sau đó, Nhà nước “còng lưng” đền bù nếu phải thu hồi đất. Đáng tiếc, những khuôn mặt “băm” chưa hề được lôi ra ánh sáng.