Chị Nguyễn Thị Hai, bán rau củ tại chờ Gò Vấp, TP HCM cho biết, sau Tết, gia vị được người dân mua nhiều nhất là sả, gừng, sau đó tới chanh, tỏi và lá tía tô. Chị Hai chia sẻ, thông thường khách hàng đến mua rau củ cũng mua kèm các món nói trên. Có nhiều người ra mua kiểu “gom”, một lúc vài kí các loại, nói là dùng cho cả gia đình hoặc dùng dần. Một ngày có khi chị bán đến vài chục kí sả, gừng, chanh các loại, gấp nhiều lần so với thời điểm bình thường.
Không chỉ được mua nhiều tại các chợ, cửa hàng rau củ, các gia vị được cho là có thể dùng chống lại COVID-19 nói trên còn được rao bán rộng rãi trên mạng. Nhiều người bán hàng online tranh thủ bán luôn “combo trị COVID-19” với sả, chanh, gừng, tía tô, tỏi... kèm theo cả hướng dẫn cụ thể sử dụng xông hơi, nấu nước uống như thế nào.
Về việc dùng chanh kết hợp với gừng, sả để nấu nước ấm mỗi ngày, các chuyên gia y tế cũng đã khẳng định, đây là các dược liệu có ích cho sức khoẻ, trong chanh chứa vitamin C, trong gừng, sả đều có chất giải độc, làm ấm cơ thể, tăng sức đề kháng, chống đau đầu... Tuy nhiên, sử dụng mỗi ngày để uống lại là chuyện khác. Người dùng cần phải cân nhắc đến tình hình sức khoẻ cụ thể của bản thân để áp dụng, vì lạm dụng có thể dẫn đến các triệu chứng như đau, viêm loét bao tử, trào ngược dạ dày, các vấn đề về huyết áp...
Cạnh đó, xông hơi sả, gừng, chanh cũng là phương pháp làm ấm cơ thể, giải độc, sát khuẩn đường hô hấp rất hiệu quả. Tuy nhiên, nếu xông hơi sai cách rất có thể dẫn đến tổn thương niêm mạc mũi, bỏng da, gây hại cho sức khoẻ. Có cả những trường hợp lạm dụng xông hơi, xông liên tục hoặc thời gian quá lâu, bị ngất xỉu do ngạt hoặc mất nước...
Với những lý do này, việc xông hơi, uống nước thảo mộc, gia vị cần được cân nhắc kỹ và phải làm đúng, tránh việc lạm dụng phương pháp này để gây ra những nguy cơ không tốt cho sức khoẻ. Và gia vị, thảo mộc cũng chỉ nên coi là một phương pháp bổ trợ việc tăng cường đề kháng, bảo vệ hệ hô hấp chứ hoàn toàn không phải “thần dược chống COVID-19” như những lời đồn đại đang lan tràn mạng xã hội.
Trước trào lưu và thói quen mua lá xông về xông mũi, họng để phòng, chống COVID-19 của người dân, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, trong thời COVID-19 tất cả các liệu pháp điều trị bằng xông đều làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Bởi khi xông làm tăng phát tán COVID-19 ra ngoài và làm lây nhiễm cho người khác.
Vì vậy, khi xông nên xông trong hệ thống máy kín và phải giữ khoảng cách nhất định, khi xông xong phải khử khuẩn ngay môi trường ấy. Lưu ý người lớn xông thì được nhưng trẻ em dưới 5 tuổi không nên xông trực tiếp vào đường hô hấp vì niêm mạc của trẻ em rất mỏng và dễ bị tác hại của các tinh dầu.