Lương y Diệp trình bày, củ gấu có tên gọi khác là hương phụ được giới đông y ví như sâm nữ. Thảo dược này có tác dụng tốt trong việc lưu thông khí huyết ở phụ nữ, đặc biệt vào những ngày kinh nguyệt. Không những thế, củ gấu còn có tác dụng lưu thông đường hô hấp, giúp những người đang bị uất nghẹn, mệt mỏi, thở tốt hơn.
Về mặt dược tính, củ gấu có vị đắng, tính âm, là loại cỏ có mặt khắp các vùng miền ở Việt Nam. Loại cỏ này sống dai, sinh sôi rất nhanh và rất khó để diệt sạch. Tuy nhiên với y học cổ truyền, củ gấu là một vị thuốc hay. Để sử dụng, chỉ cần thu hoạch làm sạch các rễ phụ quanh củ bằng cách đốt cháy. Sau đó đem giã nhuyển với vỏ trấu nhằm làm bong lớp vỏ. Tiếp đó kết hợp với các phụ liệu khác như gừng, rượu, giấm để bào chế thành thuốc. “Đối với những phụ nữ kinh nguyệt không đều là dấu hiệu của tình trạng máu lưu thông không ổn định, nên dùng củ gấu, bạch đồng nữ, ngải cứu, ích mẫu (mỗi vị 8-10g) cho vào ấm sắc lấy nước uống mỗi ngày. Bài thuốc có tác dụng thông kinh nguyệt. Lúc hành kinh giảm đau rất nhiều”, bà Diệp cho hay.
Còn trường hợp chậm kinh có thể dùng bài thuốc gồm: Củ gấu (5g), đương quy, bạch thược (mỗi vị 10g), xuyên khung (5g), ô dược (7g), ngải diệp (3g) trộn đều sắc nước uống 2 lần/ngày. Lương y Diệp cho hay chỉ cần uống thuốc sẽ có kinh sau 2 ngày.
Nếu xảy ra tình trạng băng huyết, nữ lương y hướng dẫn dùng củ gấu sao đen, tán thành bột. Mỗi lần uống dùng 6g bột củ gấu hoà với nước, uống 2 lần/ngày. Có thể kết hợp vị tông lư thán (tức bẹ cây móc đã sao đen). Sử dụng bài thuốc ít nhất 1 tháng sẽ cho tác dụng.
Với các chứng bệnh nữ giới như kinh xuất hiện sớm, màu thẫm do tiết trời nắng nóng hoặc cơ thể sinh nhiệt có thể dẫn đến việc ứ đọng khí huyết nên dùng bài thuốc sau sắc uống như thông thường: Củ gấu, ngưu tất (mỗi vị 12g), cỏ nhọ nồi, rau má tươi (mỗi vị 30g), sinh địa, ích mẫu (mỗi vị 16g), cỏ roi ngựa (25g).
Tuy nhiên nữ thầy thuốc cũng lưu ý củ gấu có tính âm, những người âm hư, máu lạnh nên hạn chế dùng bởi không tốt cho sức khỏe./.