Bãi cọc hơn 900 tuổi có giá trị thế nào với lịch sử Việt Nam?

Bãi cọc được cho là liên quan chiến dịch Bạch Đằng Giang chống quân xâm lược Nguyên Mông của nhà Trần năm 1288
Bãi cọc được cho là liên quan chiến dịch Bạch Đằng Giang chống quân xâm lược Nguyên Mông của nhà Trần năm 1288
(PLVN) - Bãi cọc được ông Nguyễn Tuân Triệu (trú thôn 3, làng Mai Động, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) phát hiện hôm 1/10, trong lúc đào đất trồng cau tại cánh đồng Cao Quỳ. 

Ông cùng gia đình đã đào hai chiếc cọc chuyển về lưu giữ tại đình làng Mai Động. Hay tin, Bảo tàng Hải Phòng, Phòng Văn hóa Thông tin huyện và UBND xã đã về đình làng lấy mẫu hai cọc gỗ đưa đi giám định, bảo quản hiện vật. Viện Khảo cổ sau đó đã về khai quật hiện trường.

Bằng chứng chiến dịch Bạch Đằng Giang

Nhiều người dân Liên Khê cho hay, dân làng ở đây biết về bãi cọc này từ nhiều năm trước, nhưng không ai nghĩ có từ thời nhà Trần nên quá trình làm ruộng va phải đều nhổ bỏ.

Theo tài liệu lịch sử, Liên Khê xưa thuộc tổng Trúc Động, huyện Thuỷ Đường, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. Nơi đây còn lưu truyền huyền tích lịch sử về những trận chiến chống quân xâm lược phương Bắc, trong đó có chiến thắng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Trúc Động được lấy làm căn cứ để tiến ra cửa sông Bạch Đằng, sông Chanh tiêu diệt và bắt sống thủy binh của đế quốc Nguyên Mông.

Sau thời gian khai quật, ngày 18/12, một phần bãi cọc nhọn bằng gỗ lim phát lộ dưới lớp bùn tại 3 hố khai quật trên cánh đồng Cao Quỳ. Cọc được đóng sâu đến 2,5m, đầu cọc có ngoàm dùng để luồn dây kéo hoặc mộng ở giữa thân. Mỗi cọc có đường kính 10-40cm, chôn cách nhau 5-7m, chủ yếu làm bằng gỗ sến và lim. Một số cọc nằm ngang, còn lại dựng đứng hoặc nghiêng về phía tây, nam. Có 27 cọc đã phát lộ. Đoàn khảo cổ đã đánh số và che đậy các hiện vật.

Đồng thời hai mẫu cọc được giám định bằng phương pháp đồng vị phóng xạ Cacbon 14 cho kết quả niên đại từ năm 1270 đến 1430. Từ đây, các nhà khảo cổ học, nghiên cứu lịch sử nhận định cánh đồng Cao Quỳ chính là di tích bãi cọc liên quan trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288 chống quân xâm lược Mông Nguyên. Vị trí bãi cọc là sông Đá Bạc xưa.

Chiều 20/12, đoàn chuyên gia của Viện Khảo cổ học, Hội Sử học và Viện Địa chất Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo Hải Phòng thực địa tại bãi cọc cũng có nhận xét các cọc cùng có chất lượng còn lại tốt hơn nhiều so với cọc tại bãi cọc Quảng Yên (Quảng Ninh). Bãi cọc được Trần Quốc Tuấn đóng dưới lòng sông Đá Bạc, tại ngã ba dẫn vào con lạch thông ra sông Giá, để ra cửa sông Bạch Đằng. Qua gần 1000 năm, phù sa bồi đắp, dòng chảy thay đổi, đặc biệt tác động của con người nên lòng sông bị thu hẹp và bãi cọc xưa giờ thành một phần cánh đồng. Tuy nhiên, còn chưa lý giải được cọc đóng xuống thế nào vì kết quả khai quật cho thấy nhiều chân cọc bằng.

Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho rằng bãi cọc được phát lộ cho thấy chiến thắng của quân dân nhà Trần năm 1288 là “Chiến dịch Bạch Đằng Giang” chứ không phải là “Trận Bạch Đằng Giang” như nhận thức lâu nay. 

Chiến dịch được chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn 1 là chặn đánh nhằm tiêu hao sinh lực địch. Giai đoạn 2 là ngăn không cho giặc đi vào đường tắt từ ngã ba sông Đá Bạc, rẽ vào con lạch dẫn ra sông Giá, thông với cửa sông Bạch Đằng. Giai đoạn 3 là trận quyết chiến giành chiến thắng trên sông Bạch Đằng.

Bãi cọc Cao Quỳ nằm trong giai đoạn 2 của chiến dịch Bạch Đằng Giang năm 1288. Để chặn giặc đi vào sông Giá, giữ bí mật trận địa cọc đã được bố phòng trên sông Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo đã cho lập bãi cọc Cao Quỳ.  “Để có cái nhìn tổng quan và khách quan hơn về chiến dịch Bạch Đằng Giang, chúng ta phải nghiên cứu giai đoạn 1 và 2”, ông Lan nói.

Cùng quan điểm với GS Lan về tầm quan trọng của bãi cọc Cao Quỳ, GS Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, việc phát hiện bãi cọc mở ra hướng nghiên cứu mới về chiến dịch Bạch Đằng Giang; khiến các nhà nghiên cứu chưa thể đưa ra kết luận trận chiến trên đất Quảng Yên (Quảng Ninh) hay trên đất Thủy Nguyên (Hải Phòng) mới là quan trọng.

Một cọc bằng gỗ lim được phát hiện ở tư thế nghiêng
Một cọc bằng gỗ lim được phát hiện ở tư thế nghiêng 

Ý nghĩa quốc tế to lớn

Sáng 21/12, tại Hội nghị báo cáo kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ,  GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận định bãi cọc Cao Quỳ và vùng Thủy Nguyên là vùng trung tâm chuẩn bị chiến trường và trung tâm của các trận giao chiến trong chiến dịch Bạch Đằng. Ông Ngọc đề xuất địa phương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) sớm xây dựng hồ sơ đề xuất Thủ tướng công nhận bãi cọc Cao Quỳ là di tích quốc gia đặc biệt.  

Ông Trần Đình Thành, Cục phó Cục Di sản văn hóa, Bộ VH,TT&DL cho rằng sử sách đã có nhiều công trình nghiên cứu về chiến thắng Bạch Đằng của nhà Trần, nhưng còn ít dấu ấn vật chất được phát hiện qua khảo cổ học. Vì vậy, bãi cọc mở ra hướng nghiên cứu mới một cách tổng thể về chiến thắng này.  

Ủng hộ đề xuất của các nhà nghiên cứu, ông Thành đề nghị Hải Phòng sớm đưa khu vực bãi cọc Cao Quỳ vào danh mục kiểm kê, để xếp hạng di tích cấp thành phố và đề xuất xếp hạng di tích quốc gia. 

“Sau khi có kết quả nghiên cứu tổng thể về di tích chiến thắng Bạch Đằng, Việt Nam có thể đề xuất UNESCO công nhận đây là di sản thế giới”, ông Thành nói và đề nghị Hải Phòng sớm chuyển đổi khu vực đã được khai quật thành đất di sản để có biện pháp bảo tồn. 

GS Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam ủng hộ đề xuất di tích chiến thắng Bạch Đằng là di sản thế giới, bởi “chiến thắng của quân dân nhà Trần trên sông Bạch Đằng năm 1288 có ý nghĩa quốc tế to lớn, buộc nhà Nguyên phải huỷ bỏ kế hoạch xâm lược Nhật Bản và các nước Đông Nam Á, mở ra giai đoạn suy yếu và tan rã của đế chế này”. 

Việc khai quật bãi cọc Cao Quỳ sẽ mở ra hướng nghiên cứu mới, thay đổi nhận thức của các nhà khoa học rằng chiến thắng Bạch Đằng không chỉ là một trận đánh mà là chiến dịch quy mô lớn mà quân và dân nhà Trần phải huy động nhiều lực lượng tham gia, chịu nhiều hy sinh. 

Các cọc bằng gỗ lim, sến... xuất lộ ở độ sâu 75- 110cm
Các cọc bằng gỗ lim, sến... xuất lộ ở độ sâu 75- 110cm 

Ông Giang đề xuất Hải Phòng tiếp tục mở rộng phạm vi khai quật quanh bãi cọc để tìm kiếm những di vật liên quan đến những trận chiến năm xưa. “Những bãi cọc gỗ được đóng xuống không phải để đâm thủng thuyền mà dồn thuyền quân Nguyên vào trận địa thuận lợi để quân nhà Trần khai hỏa. Vì vậy, tôi dự đoán phía trước bãi cọc sẽ có nhiều thuyền đắm. Nên dùng biện pháp kỹ thuật để xác định phạm vi phân bố các bãi cọc và quy mô tổng thể của di tích Bạch Đằng”, ông Giang nói. 

Ông hy vọng thời gian tới, các nhà khoa học liên ngành khảo cổ học, lịch sử, địa chất sẽ cùng phối hợp để “lập lại bản đồ chiến trường Bạch Đằng năm xưa”.

Đáp lại ý kiến trên, ông Lê Văn Thành, Bí thư Hải Phòng cho biết đã chỉ đạo Sở VH,TT&DL khẩn trương hoàn thiện thủ tục công nhận bãi cọc Cao Quỳ là di tích cấp TP; đề nghị Thủ tướng công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Đồng thời, TP sẽ mời các nhà nghiên cứu tiếp tục khảo sát các bãi cọc khác quanh xã Liên Khê, dọc theo sông Đá Bạc.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.