Gây tử vong chỉ từ 24-48 tiếng
Theo đó, 2 trường hợp tử vong vì bạch hầu đó là là bé gái 9 tuổi (người H’Mông, ngụ huyện Đắk Glong, Đắk Nông). Ngày 20/6, khoa Hồi sức cấp cứu trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM tiếp nhận bé gái này. Tại đây, bé được chẩn đoán bạch hầu ác tính biến chứng tim, thận. Các bác sĩ đã nỗ lực hồi sức cho bệnh nhi. Tuy nhiên, sau 2 giờ cấp cứu, bệnh nhi không qua khỏi.
Trường hợp tử vong thứ 2 là bé trai G.A.P. (13 tuổi, dân tộc H’Mông, ở huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông). Bệnh nhi này nhập viện vì sốt, ho, đau họng và chưa tiêm ngừa bạch hầu trước đây. Mặc dù các bác sĩ đã nỗ lực hồi sức và điều trị nhưng bệnh nhi đã không qua khỏi và đã tử vong.
Theo ThS.BSCKII Trần Duy Hưng, Trưởng Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: “Bệnh bạch hầu là do nhiễm vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh bạch hầu rất nguy hiểm, nó có thể gây chết người và triệu chứng ban đầu của nó tùy thuộc và thể bệnh hay vị trí mà con vi khuẩn bạch hầu đấy gây ra.
Trường hợp nhiễm bệnh dẫn đến tử vong có thể là do người bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời. Đặc biệt, bạch hầu có một thể được gọi là thể tối cấp khiến người bệnh tử vong chỉ trong 24 - 48 tiếng”.
Cũng theo BS Hưng, những triệu trứng ban đầu của bệnh bạch hầu thường khá giống với các loại bệnh cảm cúm thông thường, chính vì vậy, người mắc rất khó để phân biệt được bệnh.
“Khi vi khuẩn vào cơ thể sẽ có biểu hiện nhiễm trùng ví dụ như: sốt sưng đau họng, nhiễm độc như da xanh tái trẻ em thì mệt khóc bỏ ăn, người lớn thì mệt, lả, ho… Bệnh bạch hầu rất dễ nhầm với những bệnh viêm họng khác nó có một số đặc điểm gợi ý nhận biết ở thể mũi như sốt nhẹ, chảy nước mũi, nhìn vào có thể thấy nước mũi lẫn máu,.. Còn thể họng, hầu họng sẽ nhìn thấy họng đỏ sưng, vùng họng có giả mạc màu vàng sáng trằng ngà, nó rất dai và dễ chảy mảu, có phản ứng hạch làm cổ to bạnh ra…”, bác sĩ Hưng cho hay.
ThS.BSCKII Trần Duy Hưng, Trưởng Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. |
Vì sao bạch hầu quay trở lại?
Theo BS Hưng, người bệnh bị nhiễm bạch hầu một lần rồi thì thường sẽ miễn dịch suốt đời, nhưng kháng thể, sự miễn dịch nó cũng giảm dần theo thời gian. Còn những người miễn dịch do tiêm vắc-xin bạch hầu thì có thời gian miễn dịch rất dài nhưng sức đề kháng cũng giảm dần theo thời gian. Chính vì vậy nên người ta khuyên là thường sau 10 năm sẽ tiêm nhắc lại và chỉ cần tiêm một mũi.
“Thật ra, người lớn cũng có thể được tiêm hết rồi nhưng cũng có những người trước đây bị bỏ sót hoặc không tiêm, do vậy sự miễn dịch trong cơ thể không có hoặc có rất ít. Cái chính thường được gọi là miễn dịch cộng đồng, không may mà người đó có tiếp xúc với người nhiễm bạch hầu, người đó sẽ lây bệnh. Bởi vì trước đây mình khống chế được bạch hầu khi có chương trình tiêm chủng mở rộng”, BS Hưng chia sẻ.
Dù đã triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng từ rất lâu, và bệnh bạch hầu gần như đã được kiểm soát nhưng gần đây liên tiếp ghi nhận các ca mắc bạch hầu mới, chia sẻ về điều này BS Hưng cho hay: “Từ năm 1985 chúng ta đã tương đối khống chế được bệnh bạch hầu và tỉ lệ nhiễm bệnh bạch hầu từ năm 1985 đã giảm đi rất nhiều.
Năm 1985 tỉ lệ khoảng 0,35 người/100 nghìn dân, và đến năm 2012 đã giảm xuống dưới 0,01 người/100 nghìn dân. Và có thể khẳng định chúng ta đã khống chế được bệnh bạch hầu. Nhưng gần đây, bệnh xuất hiện trở lại có thể một phần do gần đây dân mình có tư tưởng gọi là "anti vắc-xin” (phản đối vắc-xin - PV).
Theo đó, khi mọi người không có miễn dịch không có đề phòng thì nó nguy hiểm vì bệnh bạch hầu diễn biến rất nhanh bởi khi tiếp xúc với nguồn lây bệnh thì vi khuẩn sẽ xâm nhập. Đường lây chủ yếu của bạch hầu là đường hô hấp vậy nên ta hay mắc nhất bạch hầu thể họng amidan. Khi vi khuẩn vào cơ thể nó sẽ tiết ra ngoại độc tố có thể đi vào máu đặc biệt có thể biến chứng viêm cơ tim thấp viêm tổ chức dây thần kinh… Ngoài thể hầu, họng còn có thể tiếp xúc ở chỗ da tổn thương, niêm mạc mắt đường tiết niệu.
Tuy nhiên, dù bạch hầu quay trở lại thì người dân cũng không nên quá hoang mang. Bởi theo BS Hưng: “Trẻ em trong thời gian vừa qua khi được tiêm chủng mở rộng thì đã có miễn dịch thường sau 10 năm nên tiêm nhắc lại, còn người lớn thì không nên hoang mang vì đa số người lớn đã được tiêm phòng chỉ trừ trường hợp nào đó bỏ sót. Để giải quyết vấn đề hoang mang cho người lớn có thể tiêm vacxin 3 trong 1 bạch hầu – ho gà – uốn ván”.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu đủ mũi tiêm và đúng lịch (mũi 1 tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi, mũi 2 sau mũi thứ nhất 1 thán, mũi 3 sau mũi thứ hai 1 tháng , mũi 4 khi trẻ 18 tháng tuổi).
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
- Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.