Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.
Theo đó, các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư sẽ bỏ để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân.
Trao đổi với báo giới, Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư cho biết, Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày ký, tuy nhiên trong Nghị quyết của Chính phủ cũng đã quy định giao cho Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan, rà soát, rồi đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, đơn giản hóa giấy tờ liên quan đến công dân theo lộ trình xây dựng và hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
“Thông tin bỏ hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân kể từ ngày 30/10/2017 là không chính xác. Hiện tại, sổ hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân vẫn còn nguyên giá trị theo luật cư trú và luật căn cước công dân”, Thượng tá Phú nhấn mạnh.
Cơ bản đồng tình quyết định bỏ hộ khẩu và CMND, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà chỉ ra chuyện quản lý dân cư theo hộ khẩu có cả ưu và nhược điểm.
Quản lý hộ khẩu sẽ có khả năng quản lý việc di cư, di dân, bảo đảm phát triển KTXH, an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.
Ngược lại, về nhược điểm, khi người có hộ khẩu ở 1 nơi nhưng tạm trú lại ở nơi khác thì sẽ bị ảnh hưởng một số quyền lợi và tạo ra sự không công bằng như quyền khám chữa bệnh, BHYT, đi học, làm việc ở các cơ quan công.
Ông Hà cho rằng, bỏ hộ khẩu thì người dân sẽ có thuận lợi là khắc phục được nhược điểm của việc quản lý dân cư theo hộ khẩu và được công bằng hơn.
Ngoài ra, trên cơ sở thuận lợi đó sẽ khắc phục được những tiêu cực tham nhũng có thể xảy ra liên quan đến quản lý dân cư bằng hộ khẩu.
Theo ông Hà, việc thay đổi từ sổ hộ khẩu sang thẻ căn cước, mã số định danh phải có đánh giá tác động xem việc bỏ thời điểm nào, lộ trình cụ thể, xác định những mặt tích cực và tiêu cực và phải có thời gian chuyển tiếp.
Ông cũng cho hay, hiện những nước quản lý theo hộ khẩu còn rất ít như Trung Quốc, Triều Tiên, còn hầu hết các nước đều chuyển đổi sang quản lý mã số định danh và thẻ căn cước.
Đồng quan điểm, ông Lộc nói: “Để chính sách vào cuộc sống hiệu quả, trước mắt phải có thời gian làm quen, có hướng dẫn cụ thể để triển khai trong thực tế chứ không phải nói bỏ là bỏ được ngay”.
Ông Nguyễn Tiến Lộc, Chủ tịch UBND phường Phương Liên (Đống Đa, Hà Nội) ủng hộ chính sách ‘bỏ sổ hộ khẩu’ mới được Chính phủ thông qua.
"Tới đây, UBND TP Hà Nội sẽ có những buổi tập huấn, hướng dẫn cụ thể trước khi chính sách trên đi vào thực tế đời sống” - ông Lộc nói.
Theo ông, nhiều năm qua chúng ta quản lý dân cư, cư trú và các thủ tục hành chính đều cần sổ hộ khẩu nên cán bộ ở phường cũng hình thành thói quen khi làm việc. Tuy nhiên, việc thay đổi để phù hợp với sự phát triển chung của xã hội là điều nên làm.