Bác sĩ vô luân lén “gieo giống” hàng loạt nữ khách hàng

Bernard Norman Barwin từng được nhiều người ca tụng là “vị thần của những em bé”
Bernard Norman Barwin từng được nhiều người ca tụng là “vị thần của những em bé”
(PLVN) - Giới chức Canada trong tuần qua đã thu hồi giấy phép của một bác sỹ sản khoa sau khi phát hiện ông này đã sử dụng tinh trùng sai với khai báo, trong đó có cả tinh trùng của chính ông ta, để thụ tinh nhân tạo cho các bệnh nhân. 

Vụ việc diễn ra trong nhiều thập kỷ mới bị phát giác, đem lại rắc rối cho nhiều gia đình, đồng thời dấy lên những kêu gọi cần phải sửa đổi các quy định liên quan để đảm bảo quyền lợi của những người liên quan.

“Vị thần của các em bé”

Đầu năm 2000, một cặp vợ chồng ở thành phố Ottawa của Canada sau khi đi thăm khám được bác sỹ kết luận rằng họ cần sự giúp đỡ y tế may ra mới có thể có con. Khát khao được làm cha mẹ cháy bỏng thôi thúc họ tìm hiểu về thực hiện việc thụ tinh nhân tạo. Sau nhiều ngày đắn đo, cuối cùng, họ quyết định nhờ đến bác sỹ Bernard Norman Barwin, được nhiều người gọi là “vị thần của những em bé” vì sự “mát tay” của mình.

“Qua tìm hiểu, tôi thấy ông ta đã giành được Huân chương Canada, rằng ông ta rất nổi tiếng, được nhiều bệnh nhân kính nể. Tôi không thấy có bất cứ điều gì cho thấy rằng ông ta có vấn đề”, người vợ kể lại.

Với sự giúp đỡ của bác sỹ Barwin, quả thực cặp vợ chồng đã sớm có hai con. Có điều, vài năm sau đó, họ bắt đầu đọc những câu chuyện bất ngờ về vị bác sỹ mà họ vẫn luôn kính nể. Lần đầu tiên là vào năm 2010, khi qua báo chí cặp vợ chồng biết được rằng có hai người phụ nữ đã kiện bác sỹ Barwin vì đã cấy cho họ tinh trùng khác, không phải tinh trùng mà họ muốn cấy. Đến năm 2013, bác sỹ Barwin đã bị điều tra về vụ việc của hai phụ nữ trên và một số sự cố khác.

Đến giữa năm 2014, khi đọc được thông tin vị bác sỹ từng chữa cho họ đã bị thu hồi giấy phép hành nghề sản khoa vì các lùm xùm có liên quan đến việc cấy tinh trùng cho bệnh nhân, cặp vợ chồng nghĩ rằng họ cũng có thể là nạn nhân. Song họ vẫn lưỡng lự không muốn đi kiểm tra.

“Một phần tôi lo sợ rằng khi đã biết được sự thật rồi tôi lại ước gì mình không biết về việc đó. Vì vậy, sau nhiều ngày bàn tính, chúng tôi quyết định để mặc mọi chuyện”, người chồng kể lại. Đến tháng 11/2016, những thông tin về hoạt động sai trái của bác sỹ Barwin tiếp tục rộ lên, thậm chí có thông tin cho biết vị bác sỹ đã sử dụng chính tinh trùng của mình để tạo ra những đứa trẻ với bệnh nhân tìm đến phòng khám của ông ta.

Đến lúc này, người vợ quyết định giục chồng tìm đến Công ty luật Nellectan O'Brien Payne ở Ottawa. Các luật sư tại đây sau đó đã sắp xếp để người mẹ, người cha và hai đứa trẻ được xét nghiệm ADN. Tháng 3/2017, họ đã nhận được kết quả. “Khi email đến, chúng tôi đang chuẩn bị ăn tối. Trái tim tôi đã như ngừng đập”, người mẹ kể lại.

Sau khi xem kết quả, bà đã bật khóc. Người chồng ngồi ngay đối diện nhận thấy rõ biểu hiện bất thường của vợ. “Tôi đã nói với ông ấy rằng đã có kết quả xét nghiệm và những đứa trẻ không phải của ông ấy. Cả hai đều không phải”, người mẹ kể tiếp. Sau đó, cặp vợ chồng quyết định đệ đơn kiện vị bác sỹ.

Thiệt hại không thể khắc phục

Norman Barwin từng là người tích cực vận động cho quyền sinh sản, giúp những người đồng tính nữ và phụ nữ độc thân có con ở thời điểm mà không ai đồng ý giúp họ. Chính vì vậy nên trong suốt một thời gian dài, ông ta được rất nhiều nể trọng, biết ơn và được trao tặng nhiều danh hiệu. 

Hành vi sai trái của ông ta được đưa ra ánh sáng sau khi một trong những đứa trẻ được sinh ra từ thụ tinh tò mò về nền tảng di truyền của mình và nghiên cứu cây phả hệ. Cùng lúc, một người khác cũng đã phát hiện điều bất thường khi cô được chẩn đoán mắc một căn bệnh di truyền trong khi cả gia đình của cô không ai có gen bệnh.

Năm 2014, khi vụ thụ tinh nhân tạo cho ba phụ nữ bằng tinh trùng không đúng khai báo nổi lên, Barwin một mực cho rằng đó là do sai sót nghề nghiệp. Tuy nhiên, đến tuần qua, khi hàng loạt những vụ việc khác được phanh phui, trường Đại học bác sỹ y khoa và Bác sỹ phẫu thuật ở Ontario đã quyết định thu hồi giấy phép hành nghề của bác sỹ trên vì những vi phạm “kinh khủng” và “đáng trách” của ông ta. Cùng với đó, bác sỹ nay đã 80 tuổi này còn bị phạt 10.000 USD. 

“Ông đã phản bội lòng tin mà các bệnh nhân trao cho mình. Những hành động của ông đã ảnh hưởng sâu sắc đến các cá nhân và gia đình của họ, gây ra thiệt hại không thể khắc phục sẽ kéo dài nhiều thế hệ”, cơ quan y tế Canada nhấn mạnh trong quyết định vừa được công bố.

Tổng cộng đã có hơn 100 người đứng ra tố cáo bị thụ tinh bằng tinh trùng không đúng với mẫu mà họ muốn, trong đó có ít nhất 15 trường hợp được xác định đã được thụ tinh bằng chính tinh trùng của Barwin.

Rebecca Dixon cho biết đã bị sốc khi biết cô không phải là con ruột của người mà cô đã gọi là cha và nuôi nấng cô suốt 25 năm. “Trong khoảnh khắc đó, cuộc sống của tôi đã thay đổi mãi mãi”, Dixon cho biết. Phát hiện này cũng gây căng thẳng cho gia đình cô.

Cha của cô, người bị bệnh nặng, đã phải chật vật học cách chấp nhận rằng cô con gái mình nuôi và yêu không thực sự là con của mình. Đến nay, Dixon đã tìm được 15 người anh em cùng là con của bác sỹ Barwin và con số này được cho là sẽ còn tiếp tục tăng.

Cần khung pháp lý chặt chẽ hơn?

Hiện nay, một vụ kiện tập thể đã được đệ trình để chống lại Barwin. Trong số những đương đơn có không chỉ những người được thụ thai bằng tinh trùng của vị bác sỹ và gia đình của họ mà còn có cả những nạn nhân khác như những bà mẹ được thụ tinh với tinh trùng của người khác thay vì tinh trùng mà họ muốn; những đứa trẻ vốn nghĩ những em bé được sinh ra từ việc thụ tinh nhân tạo là anh em của mình nhưng trên thực tế không phải…

Còn nhiều tồn tại trong hệ thống các quy định của Canada liên quan đến hoạt động thụ tinh nhân tạo
Còn nhiều tồn tại trong hệ thống các quy định của Canada liên quan đến hoạt động thụ tinh nhân tạo

Vụ việc cũng đã dẫn đến những lời kêu gọi về việc cần phải có những quy định pháp lý chặt chẽ để bảo vệ những gia đình phải cậy nhờ đến thụ tinh nhân tạo để có con. Ông Peter Cronyn, cố vấn pháp lý chính của vụ kiện tập thể, cho rằng trong khi những hoạt động khác được quy định khá chặt chẽ, thì ngành “công nghiệp sinh sản” lại hoàn toàn trái ngược.

“Khung pháp lý để bảo vệ các khoản đầu tư và hoạt động ngân hàng là cực kỳ mạnh mẽ. Trong khi đó, con cái của chúng ta quan trọng hơn tiền bạc nhưng chúng ta lại đang có một khoảng trống, hoàn toàn không có khung pháp lý để bảo vệ khía cạnh đó của xã hội”, ông Cronyn nhận định.

Ông Cronyn đã chỉ ra một loạt những tồn tại trong hệ thống các quy định của Canada liên quan đến hoạt động thụ tinh nhân tạo. Ví dụ như không có bất cứ ghi chép nào có thể giúp cho cặp vợ chồng ở Ottawa biết được rằng tinh trùng đã được sử dụng để tạo ra những đứa con của họ đến từ đâu.

Hồ sơ của các bác sỹ thực hiện các thủ thuật này theo quy định chỉ lưu trữ trong 10 năm, trong khi tại Canada cũng không có cơ quan trung ương nào lưu trữ thông tin về những người hiến tinh trùng. Không ai biết được rằng những người hiến tinh trùng có bao nhiêu đứa con.

Cho đến nay, ngoài những người đã xác định được rằng Barwin chính là cha của họ, không có nguyên đơn nào trong vụ kiện tập thể xác định được danh tính của người hiến tặng tinh trùng cho họ. Đó có thể là một người đàn ông đã lưu trữ tinh trùng trước khi điều trị ung thư với hy vọng sau này sẽ có con nối dõi. Hoặc đó cũng có thể là một người hiến tinh trùng ẩn danh. Tệ nhất trong tất cả các khả năng, đó có thể là tinh trùng của một bệnh nhân đang cố gắng tìm cách có con với bạn đời của họ.

Theo quy định hiện nay ở Canada, những em bé sinh ra nhờ tinh trùng hoặc trứng được hiến tặng không có quyền biết ai là người đã hiến tặng. Sau vụ việc nói trên, cặp vợ chồng ở Ottawa cho rằng luật sinh sản của Canada cần phải thay đổi, trong đó có quy định để những người sinh ra từ trứng và tinh trùng được hiến tặng có quyền được biết về nguồn gốc của họ. 

Song, ông Tom Hannam, một bác sỹ sản khoa ở Toronto, chỉ ra rằng xã hội Canada vẫn chưa hoàn toàn thoải mái với việc hiến tinh trùng. Đó là một phần lý do dẫn đến việc hiện nay chỉ có khoảng 30 người đàn ông ở Canada sẵn sàng hiến tinh trùng. Theo bác sỹ này, ông lo ngại rằng việc bỏ quy định không công bố danh tính người hiến tinh trùng sẽ làm giảm thêm số lượng những người hiến tặng vốn đã ít ỏi ở Canada.

Đọc thêm

Thoát 'bụng bia' nhờ giảm cân chuẩn y khoa

Thoát 'bụng bia' nhờ giảm cân chuẩn y khoa
(PLVN) - Trong 3 tháng đầu tiên, Trung tâm Giảm cân BVĐK Tâm Anh đã đón tiếp hơn 1.000 khách hàng, trong đó nhiều nam giới đã không còn “bụng bia” nhờ giảm cân chuẩn y khoa quốc tế.

Những hiểm họa của đèn laser sân khấu với đôi mắt

Ảnh minh họa

(PLVN) - Hiện nay, đèn laser sân khấu ngày càng trở nên phổ biến trong các sự kiện giải trí do tạo hiệu ứng ánh sáng độc đáo. Song nếu tiếp xúc trực tiếp, quá lâu với loại ánh sáng này có thể gây ra những tổn thương, đặc biệt là thị lực.

PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo về virus HMPV

Ảnh minh hoạ: Ngọc Nga
(PLVN) -  “Đây là những loại virus bình thường, không phải loại nguy hiểm vì vậy người dân không nên quá hoang mang. Tuy nhiên, cũng cần chú ý phòng bệnh giống như các bệnh được hô hấp khác”, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay.

Ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan, bùng phát dịp Tết

Số ca mắc sởi gia tăng tại nhiều địa phương. (Bệnh nhi điều trị sởi tại Khoa Nhi, BV Thanh Nhàn - Ảnh: Hoài Giang)
(PLVN) - Tết cận kề, nhu cầu đi lại và giao lưu của người dân tăng cao, làm gia tăng nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh. Để đón một cái Tết an lành, việc chủ động phòng ngừa bệnh từ sớm, từ xa không chỉ là trách nhiệm của ngành Y tế mà còn là nghĩa vụ của mỗi người dân.

Tử vong do ngộ độc cá nóc

Tử vong do ngộ độc cá nóc
(PLVN) - Chiều 6/1, UBND xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận xác nhận một vụ ngộ độc nặng do ăn cá nóc xảy ra trên địa bàn, khiến một người tử vong và bốn người khác phải nhập viện điều trị .

Nỗi lo ngại toàn cầu từ Virus HMPV ở Trung Quốc sau 5 năm dịch COVID-19?

Nỗi lo ngại toàn cầu từ Virus HMPV ở Trung Quốc sau 5 năm dịch COVID-19?

(PLVN) - Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc gần đây đã báo cáo sự gia tăng các ca bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, bao gồm cả HMPV, vào mùa đông. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa coi đây là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, nhưng sự gia tăng ca bệnh đã thúc đẩy các cơ quan chức năng tăng cường hệ thống giám sát.