Nguyên nhân của việc thuốc sản xuất trong nước khó tiếp cận với người bệnh không phải vì chất lượng thuốc quá kém mà vì người tiêu dùng (bệnh nhân) còn thiếu thông tin về thuốc nội. Bên cạnh đó, nhiều bác sỹ đã không có thói quen kê thuốc nội cho bệnh nhân, đơn giản vì kê những loại thuốc này, bác sỹ sẽ không có “hoa hồng”.
Để hưởng “hoa hồng”, nhiều bác sỹ thường khuyên bệnh nhân đến các Nhà thuốc quen để mua. Ảnh chỉ có tính minh họa. |
Bác sỹ thích “hoa hồng”
Thực trạng này đã được Bộ Y tế thừa nhận và khẳng định tại Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”. Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã khẳng định vai trò quan trọng của bác sĩ trong việc để thuốc nội đến được người bệnh là việc làm vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm.
Để có đơn thuốc chữa đúng bệnh, bệnh nhân rất cần sự tư vấn kỹ lưỡng của bác sỹ điều trị. Nhưng một thực trạng đang diễn ra phổ biến tại hầu hết các bệnh viện, nhất là các bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện tuyến Trung ương, đó là để cạnh tranh với thuốc nội, các hãng dược nước ngoài đã chi tỷ lệ hoa hồng rất cao cho các đại lý, nhà thuốc.
Các đại lý này lại "móc nối" với bác sỹ khám bệnh để bác sỹ kê đơn theo những loại thuốc của hãng dược mà họ chịu trách nhiệm bao tiêu.
Trong khi đó, các công ty sản xuất thuốc trong nước lại không nhạy bén với vấn đề nhạy cảm và tế nhị này. Có những bệnh nhân chỉ bị cảm cúm đơn thuần nhưng đơn thuốc do bác sỹ kê có tới 2-3 loại thực phẩm chức năng hoặc những loại thuốc ngoại đắt tiền.
Không chỉ vậy, để chắc chắn bệnh nhân phải mua thuốc tại đại lý mà mình ăn hoa hồng, nhiều bác sỹ đã cẩn thận ghi phía dưới đơn thuốc địa chỉ và tên của nhà thuốc đó.
Đồng thời không quên “cảnh báo” bệnh nhân bằng gợi ý rất chuyên môn: “Mua ở nhà thuốc này mới tránh bị thuốc giả”. Theo những đơn thuốc này, bệnh nhân phải mua với giá cắt cổ, có những đơn thuốc lên đến tiền triệu dù họ chỉ bị những bệnh thông thường do thay đổi thời tiết.
Không chỉ được trích phần trăm lợi nhuận từ tiền kê dơn thuốc, các bác sỹ còn được các hãng dược nước ngoài mời đi du lịch, biếu quà, lĩnh tiền thưởng hàng tháng, hàng quý..... Kê đơn càng nhiều thuốc đắt tiền, các bác sỹ càng được nhiều hoa hồng. Và có một thực tế, từ nhân viên bệnh viện, đến y tá, bác sỹ, không ai là không thích “hoa hồng” từ các hãng dược nước ngoài.
Bệnh nhân thiếu thông tin
Vì thuốc là một loại hàng hóa đặc biệt nên không phải cứ cần là người bệnh mua được ngay. Bên cạnh đó, không phải người tiêu dùng nào cũng am hiểu đặc tính của từng loại thuốc để lựa chọn cho phù hợp với căn bệnh và túi tiền của mình.
Nói không ngoa, nhiều người Việt dùng thuốc chủ yếu qua con đường truyền miệng, thấy bạn bè mách loại thuốc nọ, thuốc kia dùng tốt thì cũng dùng theo và rồi truyền lại kinh nghiệm cho người đi sau; con đường thứ hai là xem quảng cáo trên các phương tiện truyền thông.
Với một thị trường mà người tiêu dùng kém hiểu biết và cả tin như vậy (có thể nói là còn lệch lạc trong nhận thức về thuốc), các hãng dược phẩm đã không ngần ngại bỏ ra hàng đống tiền để đầu tư vào những màn quảng cáo ấn tượng mà đôi khi chi phí cho quảng cáo đã chiếm tới 40% tổng giá thành của thuốc….
Người Việt lại sẵn tâm lý sính ngoại nên cứ nói đến thuốc nhập khẩu sẽ nghĩ ngay đến chất lượng tốt hơn thuốc nội và sẵn sàng móc hầu bao để mua dù giá có đắt hơn hàng chục lần, trong khi tác dụng chỉ tương đương thuốc nội.
Trong khi nhiều người tiêu dùng đang thiếu thông tin giữa “ma trận” các loại thuốc thì không ít bác sỹ lại lợi dụng vào điểm yếu này để trục lợi. Có trường hợp cha mẹ khi đưa con nhỏ đi tiêm phòng đã rất phân vân không biết nên chọn thuốc nội (được miễn phí cho trẻ dưới 12 tháng) hay chọn loại thuốc ngoại với giá gần 600.000 đồng/mũi tiêm.
Đem thắc mắc này hỏi bác sỹ thì nhận được câu trả lời “chẳng chết ai”: “Tùy anh/chị thôi. Nhưng thuốc ngoại chắc chắn phải tốt hơn thuốc nội rồi, vì giá thuốc cao thế cơ mà”.
Nhiều người vì thương con, muốn con mình được tiêm loại thuốc tốt nhất nên đành bấm bụng chọn thuốc ngoại theo gợi ý của bác sỹ. Và để tiêm đủ liều cho con (3 mũi tiêm), các bậc cha mẹ phải chi phí khoảng 1,8 triệu đồng, trong khi nếu tiêm thuốc nội thì con họ chẳng mất đồng tiền nào.
Điều bất ngờ hơn, mặc dù gợi ý cho khách hàng dùng thuốc ngoại, nhưng khi tư vấn cho người nhà thì các y, bác sỹ lại khuyên nên dùng thuốc nội. Theo giải thích của họ thì thuốc ngoại giá thành cao không phải vì chất lượng tốt hơn thuốc nội mà do phải chi phí cho việc vận chuyển, cấp phép, quảng cáo...
Còn thuốc nội có giá rẻ hơn hoặc được tiêm miễn phí là vì chúng ta đang phát động và khuyến khích đưa trẻ em đi tiêm chủng đầy đủ để phòng bệnh. “Việt Nam cũng phải nghiên cứu bao nhiêu năm mới sản xuất được một loại vắc- xin phòng bệnh. Khi đã lưu hành ra thị trường thì chắc chắn thuốc đó phải đạt tiêu chuẩn, được Bộ Y tế và các cơ quan chức năng thẩm định, cấp phép. Vậy dại gì mà không dùng thuốc nội, vừa đảm bảo, vừa không phải mất tiền..”- một bác sỹ từng tư vấn cho người nhà như vậy.
Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” của Bộ Y tế đã ban hành vài tháng nay. Mục đích của Đề án là nhằm thay đổi thói quen sử dụng thuốc ngoại, xây dựng văn hóa dùng thuốc nội của người Việt Nam và trên hết là giảm gánh nặng chi phí chữa bệnh quá lớn cho người dân, nhất là những bệnh nhân nghèo.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ vẻ kém lạc quan khi cho rằng, thành bại của Đề án phụ thuộc rất lớn vào y đức của các bác sỹ. Nếu các bác sĩ luôn đặt lợi ích kiếm tiền lên trên từ việc kê nhiều loại thuốc ngoại để kiếm hoa hồng thì việc thực hiện Đề án rất khó khả thi. Lý do đơn giản vì người bệnh không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải nghe lời bác sỹ điều trị.
Vân Thanh