Xiang Jiuda từng là một bác sĩ phẫu thuật khoa thần kinh của một bệnh viện ở Bắc Kinh. Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc, ông nhận thấy rằng khi bệnh nhân bước vào trạng thái thực vật, họ và gia đình đều rơi vào trạng thái khó khăn. "Các bệnh viện thường đề nghị gia đình đưa bệnh nhân về nhà, vì họ nghĩ rằng việc điều trị sẽ không tạo ra sự khác biệt" - Xiang nói.
Còn các viện dưỡng lão lại không chấp nhận những bệnh nhân thực vật vì họ không thể cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp mà bệnh nhân cần. "Nhiều bệnh nhân thực vật đã chết tại nhà vì chăm sóc không đầy đủ, các gia đình thường không có đủ nguồn lực hoặc kinh nghiệm để chăm sóc bệnh nhân thực vật lâu dài. Nhiều gia đình của bệnh nhân thực vật bị rơi vào cảnh nghèo đói vì chi phí y tế cao" - ông Xiang nói.
Ông Xiang Jiuda. |
Hiểu được những bệnh nhân này cần được các chuyên gia có kinh nghiệm chăm sóc để giúp giảm bớt gánh nặng cho gia đình, năm 2015, ông Xiang đã nghỉ việc và thành lập trung tâm chăm sóc phi lợi nhuận tư nhân đầu tiên của Trung Quốc để chuyên chăm sóc những bệnh nhân thực vật.
Trung tâm chăm sóc bệnh nhân thực vật mà ông thành lập tại Bắc Kinh từ năm 2015 đến nay đã tiếp nhận 74 bệnh nhân với các dịch vụ và đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp.
Để tăng vốn khởi nghiệp, ông Xiang đã bán căn nhà rộng hơn 100 mét vuông ở quận Miyun, Bắc Kinh và thế chấp một ngôi nhà khác của mình. Ông đã chi hơn 5 triệu nhân dân tệ (714.500 đô la) cho trung tâm hoạt động trong khi trung tâm đó không tạo ra bất kỳ thu nhập nào.
Vị bác sĩ khoa thần kinh đã thuê 20 y tá để chăm sóc các bệnh nhân trong trung tâm. Để tiết kiệm chi phí, Xiang, cũng là bác sĩ duy nhất ở trung tâm, đã kiêm luôn cả việc của đầu bếp và lo hậu cần.
Nhiều người không hiểu động cơ của ông, một số người nghĩ rằng người thực vật cơ bản là một nửa người chết và sẽ mang lại điều xui xẻo: "Tại sao lại chi rất nhiều tiền cho họ? Cuộc sống của họ là vô nghĩa!" - có người nói.
Ông Xiang đã đáp trả rằng: "Tôi không nghĩ vấn đề là liệu sự sống của họ có tạo nên điều khác biệt hay không. Điều thực sự quan trọng là tất cả chúng ta đều có quyền bình đẳng với cuộc sống này."