Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có rất nhiều làng nghề và hơn 20 cụm công nghiệp đang hoạt động có diễn biến về môi trường rất phức tạp, ngoài ra còn có 16 khu công nghiệp được xây dựng và đi vào hoạt động với diện tích trên 6.000 ha, cơ bản các khu công nghiệp hoạt động thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật, từ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đảm bảo theo quy định của pháp luật, đối với doanh nghiệp thứ cấp cũng chấp hành nghiêm Luật bảo vệ môi trường (LBVMT) năm 2020, vì có các cơ quan quản lý về hạ tầng, Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN), Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Công an và chính quyền địa phương quản lý; Tuy nhiên, có một số ít cá nhân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất chưa đảm bảo về môi trường, bị người dân phản ánh về hiện tượng vi phạm pháp luật về môi trường.
Theo Thượng tá Nguyễn Duy Chinh – Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Bắc Ninh, “Trong các cụm công nghiệp làng nghề, như làng nghề sản xuất tái chế giấy Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, làng nghề Phú Lâm ở huyện Tiên Du, làng nghề Văn Môn huyện Yên Phong, ở các làng nghề này còn có những vi phạm, ví dụ các làng nghề tái chế giấy chủ yếu thải nước thải ra ngoài môi trường, làng nghề xã Văn Môn chủ yếu là tái chế nhôm thì chủ yếu thải khí thải, chất thải rắn, như bã xỉ nhôm không tái chế được nữa thì có hiện tượng người ta đổ ra môi trường, đây cả một làng nghề thì lượng thải ra môi trường là rất lớn. UBND tỉnh, lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo kiểm tra, xử lý, so với trước đây cũng giảm đi rất nhiều, nhưng thực tế vẫn tiềm ẩn phức tạp.
Còn lại trong một số lĩnh vực khác như, lĩnh vực an toàn thực phẩm vẫn xảy ra như, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm nhập lậu từ nước ngoài, thực phẩm đã hết hạn sử dụng, hạn dùng không đảm bảo an toàn, như có mùi hôi thối hoặc có thể đang bốc mùi thì vẫn còn tồn tại”.
Thượng tá Nguyễn Duy Chinh – Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Bắc Ninh trao đổi thông tin với PV Báo Pháp luật Việt Nam. |
Hiện nay, các cơ sở pháp lý để thực hiện các biện pháp xử lý những hành vi vi phạm về vấn đề lĩnh vực môi trường đã được quy định bởi Luật bảo vệ môi trường năm 2020, các Nghị định, Thông tư đính kèm, ví dụ: Nghị định số 08 ngày 10/1/2022; Nghị định số 45 về xử phạt ngày 7/7/2022 đã cơ bản đáp ứng được việc xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường và các hành vi vi phạm về môi trường…
Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh phối hợp thông tin với Báo Pháp luật Việt Nam. |
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Phương – Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh, trong quá trình triển khai thực hiện giữa các văn bản và thực tế còn có những cái vướng mắc, chúng tôi có kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) sửa đổi một số điều tại Nghị định số 08; Nghị định 118 quy định về thời gian xử phạt để cho phù hợp với tình hình thực tiễn tại cơ sở, thuận lợi cho quá trình xử lý vi phạm.
Khi mà công nghiệp ngày càng phát triển, thì công tác bảo vệ môi trường lại càng phải được nâng cao, chú trọng ở mỗi tỉnh, thành. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước ở mỗi địa phương cần chủ động kiểm soát, ngăn chặn, kịp thời nhận diện, xử lý các hành vi vi phạm về lĩnh vực môi trường; nghiên cứu, tham mưu, đề xuất những vấn đề xây dựng về cơ chế, chính sách; lực lượng đấu tranh với tội phạm về lĩnh vực về môi trường trong quá trình thực hiện, áp dụng các quy định về hành lang pháp lý để xử lý tội phạm vi phạm về môi trường gắn với thực tiễn gặp những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý, đẩy lùi hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực môi trường cần kịp thời tham mưu, kiến nghị.
Trao đổi với PV Báo Pháp luật Việt Nam, Thượng tá Nguyễn Duy Chinh – Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết: Trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường thì tôi thấy một số văn bản pháp luật còn những điểm ảnh hưởng nhiều đến công tác phòng chống tội phạm, vi phạm về môi trường, ví dụ trong Luật hình sự, tại Điều 235 về tội gây ô nhiễm môi trường, các phần quy định về đổ chất thải rắn, chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại có hàm lượng rất rõ ràng dễ áp dụng, còn các hành vi khác, như nước thải, khí thải quy định lưu lượng rất lớn, rất khó xác định để kiểm tra để xử lý về tội phạm nhất là nước thải, khí thải rất khó áp dụng.
“Cảnh sát môi trường Bắc Ninh cũng có nhiều tham mưu lên Bộ Công an và tham mưu sang Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh để kiến nghị lên Trung ương nên điều chỉnh một số điều cho phù hợp, ngay như việc phối hợp giữa Cảnh sát môi trường và Sở TN&MT cũng có thể thay đổi, như trong trường hợp kiểm tra đột xuất ngoài giờ”, Thượng tá Nguyễn Duy Chinh – Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết.
Hiện nay, đang có 4 nhà máy điện rác đốt rác phát điện đã giải quyết được 100% các loại rác thải trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Đình Phương – Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh cùng phòng chuyên môn cung cấp thông tin cho Báo Pháp luật Việt Nam. |
Thông tin với Báo Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Đình Phương – Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh cho biết: Từ khi nhà máy đốt rác phát điện đi vào hoạt động, chúng tôi tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quyết định thu gom, vận chuyển, xử lý đốt rác, xử lý tốt các loại rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt đảm bảo theo đúng quy định, cho đến nay các doanh nghiệp, nhân dân dần quen với việc thu gom, vận chuyển rác thải, để đúng nơi quy định, dần dần thực hiện tốt luật LBVMT 2020, không còn hiện tượng đổ rác bừa bãi không đúng nơi quy định như trước đây.
Được biết, hằng năm Sở TNMT cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra đối với các doanh nghiệp các nhân trên địa bàn tỉnh nói chung, trong đó có lĩnh vực về môi trường trình UBND tỉnh có kế hoạch, trên cơ sở đó Sở TNMT sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn, như thanh tra sở phối hợp với Công an tỉnh, UBND các huyện, thị, thành phối hợp với Thanh tra tỉnh để tránh chồng chéo việc kiểm tra các doanh nghiệp, gây phiền hà cho doanh nghiệp; đồng thời Sở TNMT cũng phối hợp với Thanh tra tỉnh xây dựng các kế hoạch trong năm cần kiểm tra các doanh nghiệp cụ thể, trên cơ sở đó cần triển khai thực hiện tránh chồng chéo, từ đó phát hiện các cá nhân, doanh nghiệp có thực hiện tốt các quy định của pháp luật hay không, đặc biệt về vấn đề Luật Bảo vệ môi trường.