Đến dự Hội thảo có ông Dương Thành Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; bà Lâm Thị Sang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; GS.TS Phạm Xuân Đà -- Cục trưởng Cục công tác phía Nam (Bộ khoa học công nghệ); ông Mai Thế Hào - Phó trưởng phòng Cục chăn nuôi phía Nam (Bộ NN&PTNT); Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC), Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM.
Ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại hội thảo |
Tham dự hội thảo còn có 200 đại biểu là đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh; các chuyên gia, luật sư, cơ quan thông tấn, báo chí, doanh nghiệp và hộ cá thể hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh các sản phẩm từ tổ yến trên địa bàn tỉnh.
Nhà báo Lê Anh Đức - Trưởng VPĐD Báo Pháp luật Việt Nam khu vực Duyên hải Tây Nam Bộ, đại diện đơn vị bảo trợ thông tin, nhận đóa hoa tươi thắm do ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu trao tặng |
Ông Dương Thành Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho các chuyên gia khách mời |
Cần hoàn thiện khung pháp lý về nuôi chim yến
Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu Lưu Hoàng Ly cho biết, từ thực tế việc dẫn dụ, nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh đang phát triển rầm rộ kiểu tự phát như hiện nay đang đặt ra vấn đề cần tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước việc nuôi yến cũng như chất lượng sản phẩm từ tổ yến. Bên cạnh đó, cần xây dựng quy chế phối hợp quản lý nghề nuôi chim yến giữa các địa phương hoạt động đồng bộ, phát huy hiệu quả...
Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu |
Để nghề nuôi yến phát triển bền vững, ông Lưu Hoàng Ly cũng đề xuất và kiến nghị Bộ NN&PTNT sửa đổi, bổ sung, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý dẫn dụ, gây nuôi và khai thác chim yến; hỗ trợ địa phương đào tạo cán bộ kỹ thuật quản lý nuôi chim yến…
Ông Mai Thế Hào – Phó trưởng phòng Cục chăn nuôi phía Nam (Bộ NN&PTNT) |
Đại diện Bộ NN&PTNT, ông Mai Thế Hào - Phó trưởng phòng Cục chăn nuôi phía Nam cho biết: “Bộ rất quan tâm đến việc phát triển thị trường, để giúp cho tiêu thụ sản phẩm yến, Bộ đã chủ động cùng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản giới thiệu các sản phẩm yến sào thương phẩm. Bên cạnh đó, để ngành yến phát triển vững chắc, trong thời gian tới, cần tổ chức những buổi tập huấn về kinh nghiệm dẫn dụ, gây nuôi chim yến cho các hộ nuôi yến; cũng như việc dẫn dụ, gây nuôi yến phải được thực hiện theo quy chuẩn.
Ông Hào nhấn mạnh, Luật Chăn nuôi 2018 tại điều 63 có quy định về việc nuôi chim yến, theo đó vấn đề quy hoạch vùng chăn nuôi chim yến đã phân cấp cho UBND tỉnh, nhằm tạo điều kiện cho ngành Yến phát triển đúng hướng, đảm bảo môi trường sinh thái, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Luật gia Nguyễn Văn Hậu phát biểu |
Về vấn đề hoàn thiện khung pháp luật đối với ngành nuôi yến, Luật gia Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM kiến nghị: “Cần có các văn bản hướng dẫn kỹ thuật về xây dựng nhà nuôi yến đúng, có các tiêu chuẩn nuôi chim yến bảo đảm an toàn sinh học. Xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về nhà yến và tổ yến. Đồng thời, quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính cụ thể đối với hành phát âm thanh dẫn dụ chim yến làm ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân xung quanh.
Đại diện các doanh nghiệp, hộ nuôi yến phát biểu tại hội thảo |
Cũng theo ông Hậu, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về quy hoạch chính sách, đặc biệt là các giải pháp về khoa học công nghệ liên quan tới phòng trừ dịch bệnh; công nghệ bảo quản và chế biến các sản phẩm sau thu hoạch từ tổ yến; bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh với thị trường quốc tế; nhất là bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả của các cá nhân, đơn vị về thành quả nghiên cứu khoa học phát triển ngành nghề nuôi chim yến.
GS.TS Phạm Xuân Đà - Cục trưởng Cục công tác phía Nam (Bộ Khoa học - Công nghệ) phát biểu tại hội thảo |
Vấn đề chuẩn hóa kỹ thuật trong ngành nghề Yến được GS.TS Phạm Xuân Đà – Cục trưởng Cục công tác phía Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) quan tâm, nhấn mạnh: Muốn phát triển ngành nuôi chim yến bền vững, người dân cần chuẩn hóa về kỹ thuật (vật liệu xây dựng, độ thoáng, độ ẩm...); tối ưu hóa kỹ thuật dẫn dụ chim yến; cần chú ý đến thời gian thu hóa tổ yến; sơ chế, bảo quản tổ yến…
Bên cạnh đó, sản phẩm từ yến phải được tổ chức chứng nhận đầy đủ quy trình để đánh giá chất lượng các sản phẩm từ yến; tiêu chuẩn hóa yến sào của địa phương. Phải đầu tư xây dựng chuỗi sản phẩm có giá trị, có nhãn hiệu tập thể để phát huy toàn bộ giá trị sản phẩm từ yến. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ về tiêu chuẩn của các sản phẩm từ yến, bên cạnh đó địa phương nên nghiên cứu xây dựng câu chuyện về yến sào Bạc Liêu để tạo được ấn tượng với người xử dụng cũng như quảng bá được các sản phẩm từ yến của địa phương đến các địa phương khác.
Đại biểu phát biểu về thực trạng nghề nuôi yến tại địa phương |
Nhiều vấn đề quan trọng đã được các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận như: Hiện trạng, tiềm năng và giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; Xây dựng quy chế quản lý tập trung, phát triển bền vững an toàn để trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực phát triển và tham gia xuất khẩu giá trị cao tại Việt Nam; Nâng cao công nghệ bảo quản và chế biến sản phẩm sau thu hoạch tổ yến - Tạo dựng giá trị thương hiệu (chất lượng, giá thành sản phẩm), tăng thu nhập từ nghề nuôi chim yến…
Các ý kiến tập trung đề nghị tỉnh Bạc Liêu sớm cụ thể hóa các quy định pháp luật về nghề nuôi chim yến và đem đến nhiều chiến lược mới mẻ và đột phá nhằm thúc đẩy thương mại kinh doanh nhà yến và các sản phẩm chế biến tổ yến; tìm ra các giải pháp liên kết giao thương giữa các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp cùng ngành nghề trong cả nước để cùng nhau khai thác hiệu quả “mỏ vàng lộ thiên” này.
Phát triển bền vững nghề nuôi chim yến
Phát biểu tại Hội thảo, ông Dương Thành Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Yến là sản phẩm đặc thù, đem lại nguồn giá trị rất lớn, tuy nhiên trong quá trình nuôi người dân cũng gặp không ít khó khăn. Thời gian tới, ngành yến luôn luôn phát triển nếu như có cách tổ chức tốt vì nó có tăng trưởng nóng, góp phần phát triển kinh tế cho tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung tặng hoa cho ông Lê Chí Tôn - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bạc Liêu |
Đặc thù của ngành nuôi chim yến là tăng đàn tự nhiên, chỉ đầu tư cơ sở vật chất 1 lần, không cần con giống cũng không cần thức ăn vì vậy để tiếp tục phát triển bền vững nghề nuôi yến, sắp tới tỉnh Bạc Liêu sẽ có biện pháp hữu hiệu cũng như ban hành văn bản điều chỉnh về việc dẫn dụ chim yến ở địa phương.
Ông Dương Thành Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tặng bằng khen cho cho các doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu năm 2019 |
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tin tưởng rằng với những kiến nghị của các đại biểu cũng như kinh nghiệm từ quý chuyên gia sẽ giúp UBND tỉnh có những định hướng tốt hơn cho việc dự thảo các văn bản điều chỉnh việc nuôi và dẫn dụ chim yến. Hy vọng các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại tỉnh Bạc Liêu tìm kiếm hướng đi mới hiệu quả hơn; có những chiến lược mới mẻ và đột phá nhằm thúc đẩy thương mại kinh doanh nhà yến và các sản phẩm chế biến tổ yến góp phần vào tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh nhà.
Dịp này, nhân ngày Doanh nhân 13/10, UBND tỉnh Bạc Liêu trao tặng 10 bằng khen cho doanh nghiệp tiêu biểu năm 2019 có những đóng góp tích cực cho tỉnh Bạc Liêu trên các lĩnh vực./.
Đặc biệt, hội thảo lần này là bên cạnh việc thu thập thông tin về phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Bạc Liêu, chúng ta cùng xây dựng chiến lượt phát triển nghề nuôi chim yến Việt Nam năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Điều tra, nghiên cứu qui hoạch các khu bảo tồn thiên nhiên cho loài chim yến có giá trị kinh tế, bảo tồn lưu giữ nguồn gen quí hiếm, giải pháp nguồn thức ăn, môi trường sinh thái nhà yến, quy hoạch các vùng, làng nghề nuôi chim yến tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.