Nghề nuôi chim yến đang phát triển "nóng"
Nghề dẫn dụ, gây nuôi yến đang phát triển khá mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Bạc Liêu. Tại nhiều địa bàn, người dân thi nhau xây dựng, cải tạo nhà ở để làm nơi dẫn dụ và gây nuôi chim yến.
Trong một cuộc họp bàn về sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bạc Liêu mới đây, ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh này cho biết: hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 950 nhà nuôi yến, qua khảo sát thực tế thì việc dẫn dụ gây nuôi chim yến đã góp phần không nhỏ cho thu nhập, phát triển kinh tế của các hộ dân cũng như đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
“Tính đơn giản, nếu trong số 950 nhà yến, cho là sẽ có 50 % số hộ gây nuôi thành công, mỗi tháng thu 1kg tổ yến, như vậy mỗi tháng cả tỉnh sẽ có 475 kg, nếu tính bình quân 1kg/1000USD, thì cũng sẽ thu được 475 ngàn USD mỗi tháng”, ông Lưu Hoàng Ly phát biểu.
Bên trong một ngôi nhà được cải tạo để nuôi yến |
Tuy vậy, việc dẫn dụ gây nuôi chim yến cũng có không ít những hệ lụy, bất cập như tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và ô nhiễm môi trường ở nhiều khu dân cư. Bên cạnh đó, nguy cơ lây lan dịch bệnh cũng cần được kiểm soát.
Được biết, do tỉnh Bạc Liêu chưa có quy định về việc dẫn dụ, gây nuôi chim yến nên hầu hết người dân nuôi yến tự phát. Theo ghi nhận, tại địa bàn TP Bạc Liêu đã có hàng trăm công trình nuôi chim yến, đặc biệt có những khu dân cư tập trung chỉ một đọan đường ngắn đã có cả chục cơ sở dẫn dụ, gây nuôi chim yến san sát nhau, thậm chí gần trường mẫu giáo.
Theo tìm hiểu, hầu như không có cơ sở nào xin phép cho việc gây nuôi yến, mà họ chỉ dừng lại ở việc xin giấy phép xây dựng, cải tạo công trình nhà ở, rồi cải biến nội thất thành nhà nuôi chim.
Sẽ sớm ban hành các quy định cho nghề dẫn dụ, gây nuôi chim yến
Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với các ngành chức năng liên quan tiến hành tổ chức khảo sát thực tế về âm thanh, tiếng ồn và giám sát dịch bệnh tại một số cơ sở dẫn dụ, gây nuôi yến.
Tại hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đối thoại với cán bộ, hội viên, nông dân về “Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, thúc đẩy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn” vào tháng 9 vừa qua, trả lời ý kiến của đại biểu về vấn đề ô nhiễm môi trường và ô nhiễm âm thanh do nuôi chim yến, Chủ tịch UBND tỉnh Dương Thành Trung cho biết: “Nuôi chim yến là một ngành nuôi mới, vì vậy trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tổ chức hội thảo về ngành nuôi yến để xác định vai trò, vị trí, tiềm năng trong phát triển kinh tế, đồng thời có giải pháp khuyến cáo, quy định tạm thời tránh làm ảnh hưởng đến môi trường và ô nhiễm âm thanh”.
Cũng theo Chủ tịch tỉnh Dương Thành Trung, hiện tỉnh đang phối hợp với một số đơn vị liên quan và chỉ đạo cho các ngành chức năng chuẩn bị các điều kiện để trung tuần tháng 10/2019 này sẽ diễn ra “Hội thảo chuyên ngành về ngành nuôi chim yến”.Qua đó, sẽ lấy ý kiến của các nhà khoa học, các cơ sở nuôi chim yến và các đơn vị chế biến, phân phối sản phẩm từ yến và các ngành chức năng liên quan, để tổng hợp làm cơ sở ban hành quy định tạm thời cho ngành, nghề nuôi chim yến tại địa phương.
Việc ban hành “Quy định tạm thời về lĩnh vực dẫn dụ, gây nuôi chim yến”, chính là cơ sở, hành lang pháp lí để kiểm soát phần nào tình trạng dẫn dụ, gây nuôi chim yến phát triển tràn lan, khó kiểm soát, gây bức xúc cho nhân dân như hiện nay; qua đó cũng góp phần tạo nguồn thu cho nhập cho các hộ theo đuổi nghề nuôi chim yến và đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh Bạc Liêu./.