Bạc Liêu: Độc đáo cánh cổng thông minh bảo đảm an ninh trật tự

Cánh cổng an ninh trật tự thông minh tại ấp 1B, xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu.
Cánh cổng an ninh trật tự thông minh tại ấp 1B, xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cánh cổng thông minh bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) thuộc ấp 1B, xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu lần đầu tiên được đưa vào sử dụng tại tỉnh Bạc Liêu đã mang lại hiệu quả rất tích cực trong công tác phòng, chống tội phạm; bảo đảm ANTT, an toàn xã hội tại các địa phương vùng sâu, vùng xa…

Thiếu tá Nguyễn Cao Sáu - Phó Trưởng Công an xã Phong Thạnh Tây A (huyện Phước Long) cho biết, từ năm 2014, mô hình cổng ANTT đã ra đời tại các ấp trong xã. Các cánh cổng khi hình thành phải bố trí nguồn nhân lực trực để thực hiện việc đóng mở cổng khi có yêu cầu. Tuy nhiên, khi có các vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra, việc đóng mở cổng thường không kịp thời, đôi lúc đối tượng hung hăng, manh động; thậm chí là chống trả nhằm thoát thân, gây nguy hiểm cho cả người dân và cả lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ.

Xuất phát từ thực tiễn trên, Thiếu tá Sáu đã nghiên cứu, sáng tạo thành công cánh cổng ANTT thông minh để đặt thí điểm tại ấp 1B. Đây là cổng rào ANTT ứng dụng công nghệ đầu tiên ở tỉnh Bạc Liêu. Mô hình này ra đời không chỉ phục vụ tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hiệu quả mà còn khiến các đối tượng có ý định gây rối tại địa phương e ngại không dám hoạt động, vì cổng tự động khóa lại, không có lối thoát.

“Cổng ANTT thông minh được vận hành cũng khá đơn giản dựa trên nguyên lý hoạt động của môtơ bán hành trình, được sử dụng vận hành qua app cài đặt trên điện thoại thông minh để điều khiển từ xa và có thể chia sẻ trong Ban chỉ huy khi trực, có thể sử dụng được app đó. Khi có tin báo hoặc có sự việc xảy ra thì trong Ban chỉ huy kịp thời mở app đóng cổng để xử lý vụ việc hoặc là truy bắt kịp thời đối tượng khi phát hiện”, Thiếu tá Sáu giải thích.

Cổng ANTT thông minh được đưa vào sử dụng từ tháng 11/2022, qua thực tế đã cho thấy hiệu quả cao của mô hình, đã góp phần bắt giữ một số đối tượng liên quan đến trộm cắp, buôn lậu và đua xe trái phép. Cụ thể, công an xã Phong Thạnh Tây A phối hợp người dân đã bắt giữ và xử lý 4 vụ vi phạm pháp luật, trong đó có đối tượng vận chuyển hơn 1.000 gói thuốc lá lậu, 1 đối tượng trộm cắp xe máy, một số thanh, thiếu niên có hành vi đua xe trái phép qua địa bàn, một nhóm thanh niên tụ tập chuẩn bị đi hỗn chiến.

“Ngoài ra, Công an xã phối hợp Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT, Công an tỉnh Bạc Liêu) tiến hành vây bắt một số thanh, thiếu niên có hành vi đua xe trái phép qua địa bàn. Từ khi có cổng ANTT thông minh, tôi nhận thấy tình hình ANTT ổn định hơn trước”, Thiếu tá Sáu nhận định.

Cổng có thể đóng mở từ xa thông qua điều khiển app.

Cổng có thể đóng mở từ xa thông qua điều khiển app.

Ông Nguyễn Văn Tám (người dân ngụ ấp 1B, xã Phong Thạnh Tây A) cho biết: “Lúc chưa có cổng ANTT thông minh, ban đêm còn nơm nớp lo. Hiện người dân ở đây rất yên tâm, không còn lo lắng bị trộm cắp như trước đây”.

Đánh giá về hiệu quả mô hình, ông Lê Văn Tần, Chủ tịch UBND huyện Phước Long cho biết: “Mô hình cổng ANTT thông minh thực sự phát huy được hiệu quả. Những hình ảnh thu nhận được từ hệ thống không chỉ góp phần phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm mà còn là cơ sở dữ liệu để phục vụ lực lượng chức năng xác minh, truy xét dấu vết tội phạm, thu thập chứng cứ phục vụ quá trình điều tra phá án… Trong thời gian tới, mô hình sẽ được nhân rộng tại các địa phương trên địa bàn”.

Được biết, mới đây mô hình cổng ANTT thông minh của Thiếu tá Nguyễn Cao Sáu đã đạt giải Nhì tại cuộc thi tổng kết trao giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu lần thứ 10 (2021 - 2023).

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên
(PLVN) - Chuyển đổi số đang trở thành xu thế không thể đảo ngược, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nhận thức rõ điều này, Ban Quản lý (BQL) Dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hưng Yên đã và đang triển khai mạnh mẽ các kế hoạch và hoạt động nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới phát triển kinh tế số và xã hội số.