Xây nhà chồng lên đất hàng xóm
Phần đất của ông Lâm Văn Hiền mua từ Văn phòng Tỉnh ủy Bạc Liêu vốn là Nhà tập thể Xí nghiệp in Trần Ngọc Hy (có GGCNQSDĐ số C 145001, diện tích 239,07 m2, cấp ngày 24/6/1994). Năm 2001, ông Hiền được UBND tỉnh Bạc Liêu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở và đất ở với diện tích 239,07 m2 đất đúng như cũ.
Sau khi hoàn thành thủ tục chuyển nhượng, sang tên, gia đình ông Hiền xây dựng nhà mới trên phần đất này. Tuy nhiên, ông Hiền không xây hết đất mà chừa ra 0,45m phần trước và 0,12m phần sau (chạy dài hết phần đất) để làm mương cống thoát nước và trổ cửa sổ.
Tháng 7/2018, bà Trần Thị Liễu (SN 1967, giáp ranh đất ông Hiền) đã xây dựng nhà ở chồng lên phần đất ông Hiền chừa ra, dẫn đến tranh chấp.
Tại buổi hòa giải ngày 15/8/2018 do UBND phường 3 (TP Bạc Liêu) tổ chức, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Bạc Liêu xác nhận GCNQSDĐ của ông Hiền là đúng với trước đây, không có sự thay đổi về diện tích. Trong khi GCNQSDĐ của bà Liễu lại có biến động về diện tích lớn hơn so với chủ đất cũ trước đó. “Nhà bà Liễu trước đây trên GCNQSDĐ của chủ cũ là chiều ngang 4,2m nhưng sau này lại được cấp sổ có chiều ngang 4,7m có thể là thời điểm đó có sai về mặt kỹ thuật...”, biên bản hòa giải nêu.
Tuy nhiên, do hòa giải không thành nên ông Hiền đã khởi kiện bà Liễu ra TAND TP Bạc Liêu để đòi đất. Do trong thời gian chờ tòa án xét xử, bà Liễu vẫn tiếp tục cho thi công gây tắc đường thoát nước mưa và nước sinh hoạt của gia đình nên ông Hiền đã yêu cầu TAND TP Bạc Liêu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT). Nhưng đến nay, ông Hiền vẫn chưa nhận được hồi âm.
Hàng xóm được tăng diện tích đất bất thường.
Theo hồ sơ chúng tôi có được, phần đất của bà Liễu được cấp lại GCNQSDĐ vào ngày 26/2/2014 với diện tích 146,8 m2, có mặt tiền giáp đường Trần Văn Thụ chiều ngang 4,7m. Trên diện tích nói trên, bà Liễu đã được UBND TP Bạc Liêu cấp giấy phép xây dựng ngày 24/7/2018.
Tuy nhiên, diện tích thể hiện trên GCNQSDĐ của bà Liễu lại khác so với hồ sơ gốc của chủ đất cũ là ông Lao Anh Tuấn. Chiếu theo mặt bằng hiện trạng khu đất ông Tuấn xin cấp GCNQSDĐ (lập ngày 15/10/1996) thì thửa đất số 384, tờ bản đồ số 13 (thửa đất của bà Liễu hiện nay) có diện tích 141 m2, chiều ngang tiếp giáp đường Hoàng Văn Thụ là 4,1m. Ngày 3/6/1997, Giám đốc Sở Địa chính (nay là Sở TN&MT) tỉnh Bạc Liêu có tờ trình UBND tỉnh cấp GCNQSDĐ cho ông Tuấn đúng với số liệu như trên.
Sau đó, ông Tuấn chuyển nhượng phần đất trên cho bà Trương Thị Ngọc Đoàn thì diện tích đất lại tăng lên thành 146,85 m2, chiều ngang tiếp giáp đường Hoàng Văn Thụ là 4,7m (tăng so với trước đó). Ngày 4/5/2010, thửa đất này lại đổi chủ sử dụng là ông Quách Trọng Đạt (thông tin về diện tích đất vẫn giữ nguyên). Đến năm 2014 thì người đứng tên trong giấy CNQSDĐ là bà Trần Thị Liễu.
Ông Hiền cho biết, “GCNQSDĐ của tôi rất rõ ràng, diện tích trước sau không thay đổi so với GCNQSDĐ do Tỉnh ủy quản lý trước đây. Đường cống thoát nước tôi chừa ra cũng còn hiện hữu nhưng phía gia đình bà Liễu vẫn bất chấp để tiến hành xây dựng trên đất gia đình tôi. Khi bà Liễu xây dựng nhà, phá bỏ đường thoát nước thì gia đình tôi không biết phải sinh hoạt ra sao? Tôi buộc phải khởi kiện để đòi lại quyền lợi”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Quốc Nam, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu cũng tỏ ra rất bất ngờ trước việc đất từ người này chuyển nhượng sang cho người khác lại tăng về diện tích ghi trên GCNQSDĐ như trên. Sở sẽ cho Phòng TN&MT thành phố rà soát lại để có hướng xử lý và cung cấp thông tin cho tòa án khi có yêu cầu. Nếu xác định việc cấp giấy sai thì phải thu hồi điều chỉnh lại cho đúng thực tế.
TAND TP Bạc Liêu vi phạm thời gian giải quyết yêu cầu của nguyên đơn
Theo Luật sư Nguyễn Thế Song (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ), việc tranh chấp đất giữa những người hàng xóm do GCNQSDĐ cấp chồng đất của nhau như trường hợp giữa ông Hiền và bà Liễu là lỗi của cơ quan quản lý đất đai. Các cơ quan chức năng TP Bạc Liêu cần sớm trả lời cho Tòa án và người dân được rõ, vì sao có việc biến động tăng diện tích khi cấp lại GCNQSDĐ cho bị đơn? Do phía bị đơn đã có GCNQSDĐ và Giấy phép xây dựng nên TAND TP Bạc Liêu cần áp dụng BPKCTT (cấm thay đổi hiện trạng diện tích đất tranh chấp) để tránh phức tạp, hạn chế các tranh chấp phát sinh và đảm bảo việc tiêu thoát nước cho gia đình nguyên đơn.
Theo Điều 133 Bộ luật Tố tụng Dân sự, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, nếu người yêu cầu không phải thực hiện biện pháp bảo đảm hoặc ngay sau khi người đó thực hiện xong biện pháp bảo đảm thì Thẩm phán phải ra ngay quyết định áp dụng BPKCTT; nếu không chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu. Trong vụ kiện này, ông Hiền đã gửi đơn đề nghị áp dụng BPKCTT từ ngày 28/8 và đã thực hiện yêu cầu nộp tiền thế chấp nhưng đến nay, đã quá thời hạn theo quy định trên đây mà Thẩm phán TAND TP Bạc Liêu vẫn chưa ban hành quyết định theo yêu cầu của nguyên đơn.