Ngày 7/8, Đoàn công tác do Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng với các Bộ, ngành Trung ương đã đến thăm và làm việc tại Bạc Liêu. Tiếp đoàn có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương.
Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương đã khái quát tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Theo đó, để vươn lên trở thành tỉnh khá trong khu vực ĐBSCL, Bạc Liêu phấn đấu đến cuối năm 2018 tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt từ 7,0 – 7,5% trở lên với trọng tâm xác định theo hướng “xanh”, với 4 trụ cột kinh tế: Nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo; Năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời); Phát triển du lịch; phát triển thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục.
Ngoài ra, Bạc Liêu còn đang tích cực triển khai hiện thực hóa thêm hướng phát triển mới là phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng theo Chiến lược biển Việt Nam, ông Dương cho biết thêm.
Với quyết tâm đó, trong 6 tháng đầu năm 2018, Bạc Liêu có nhiều phát triển nổi bật, tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 11.200 tỷ đồng, tăng 7,56% so cùng kỳ; trong đó: khu vực nông nghiệp đạt hơn 4.080 tỷ đồng, tăng 6,3%; khu vực công nghiệp và xây dựng 2.170 tỷ đồng, tăng 10,73%; khu vực dịch vụ đạt hơn 4.780 tỷ đồng, tăng 7,48% so cùng kỳ.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 41,4%, công nghiệp – xây dựng chiếm 15,72% và dịch vụ chiếm 41,3% trong tổng GRDP... đây là mức tăng trưởng cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đứng thứ 5/13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cao hơn 0,48% so với mức bình quân chung của cả nước.
Ngoài ra, công tác giáo dục, y tế, văn hóa có bước phát triển tích cực; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; an ninh quốc phòng được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng…
Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương cũng cho biết trong thời gian tới, Bạc Liêu khẩn trương xây dựng Đề án “Cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng tỉnh Bạc Liêu giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn 2030”; sớm hoàn tất thủ tục để thuê đơn vị tư vấn nước ngoài lập Quy hoạch tỉnh giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2050; triển khai có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp với trọng tâm là phát triển chuỗi giá trị ngành tôm; tập trung phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, chủ yếu là phát triển nguồn năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời, đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm sản xuất năng lượng tái tạo của khu vực đồng bằng sông Cửu Long…
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia của tỉnh giai đoạn 2015 – 2020; tăng cường xúc tiến thương mại; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trong tỉnh; đẩy mạnh quản lý thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng ép giá; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp; tập trung thích đáng các nguồn lực thực hiện các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cũng đã kiến nghị, đề xuất với Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng với Đoàn công tác về nhiều vấn đề tồn tại của tỉnh. Trong đó có việc chống biến đổi khí hậu; xây dựng hệ thống giao thông, y tế, giáo dục; xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững… Vì vậy, tỉnh Bạc Liêu rất cần sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí đầu tư của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương để hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bạc Liêu đạt được trong phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị thời gian qua. Đồng thời, Phó Chủ tịch nước cũng đề nghị trong thời gian tới, Bạc Liêu cần chú trọng, quan tâm hơn nữa các vấn đề về biến đổi khí hậu nhất là vấn đề sạt lở và xâm nhập mặn; an ninh – quốc phòng; các bức xúc xã hội nhất là bạo lực trẻ em và các tệ nạn xã hội; sắp xếp bộ máy tinh gọn; xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; chăm lo đầu tư về y tế, giáo dục và xây dựng đội ngũ trí thức; chăm lo cho gia đình chính sách và làm tốt công tác an sinh xã hội…
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ kiến nghị với chính phủ dành ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho Bạc Liêu nói riêng cũng như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung nhất là đầu tư xây dựng cũng như nâng cấp hệ thống giao thông, các công trình chống biến đổi khí hậu…
Cùng ngày, đoàn công tác Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng với một số cơ quan, doanh nghiệp đã trao 5 căn nhà tình thương, 200 suất quà và học bổng cho học sinh, 50 suất quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.