PVN không có quyền ra chủ trương góp vốn vào Ocenbank
Cụ thể, sau 8 ngày xét xử và nghị án, phiên tòa phúc thẩm diễn ra cởi mở, tranh luận thẳng thắn. VKS Cấp cao tại Hà Nội đề nghị không chấp nhận kháng cáo của ông Đinh La Thăng cùng 6 đồng phạm trong vụ án cố ý làm trái gây thiệt hại 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank).
VKS Cấp cao tại Hà Nội nhận định: Năm 2008-2011, ông Thăng đã ký thỏa thuận góp vốn với ông Hà Văn Thắm (Chủ tịch HĐQT Oceanbank) nhưng không thông qua HĐQT. Việc này trái với quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐQT. Hậu quả của ba lần góp vốn trái luật nói trên làm PVN mất toàn bộ 800 tỷ đồng khi Oceanbank có nhiều sai phạm trong quản lý và bị Ngân hàng Nhà nước mua với giá 0 đồng.
Trong khi hầu hết các bị cáo tại toà phúc thẩm đều thừa nhận hành vi phạm tội, xin giảm nhẹ hình phạt. Riêng ông Đinh La Thăng và Phan Đình Đức không nhận tội, tiếp tục kêu oan.
Về tố tụng, sau khi xét xử sơ thẩm, các bị cáo kháng cáo, HĐXX xác định hợp lệ. Với tư cách tham gia xét xử của Nguyễn Xuân Sơn, HĐXX cho thấy sau khi kết thúc phiên sơ thẩm, ông Sơn kháng cáo nhưng trong phiên phúc thẩm đã rút kháng cáo và đề nghị tham gia với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, trong vụ án, Nguyễn Xuân Sơn là người có vai trò liên quan trực tiếp nên vẫn tham gia phiên tòa với tư cách bị cáo.
Theo HĐXX cấp phúc thẩm, PVN là tập đoàn 100% vốn nhà nước, hoạt động theo luật doanh nghiệp, đầu tư. Thủ tướng có quyền yêu cầu PVN báo cáo thường xuyên hoạt động tài chính. PVN phải chịu sự giám sát của Chính phủ.
Việc PVN đầu tư góp 800 tỷ vào Oceanbank là hoạt động đầu tư trực tiếp. Thủ tướng mới là người quyết định chủ trương PVN góp vốn, HĐQT/HĐTV của PVN không có quyền quyết định chủ trương; nói cách khác, HĐQT/HĐTV PVN phải báo cáo Thủ tướng về chủ trương đầu tư góp vốn vào Oceanbank. Do vậy, những quan điểm cho rằng HĐQT được quyền đề ra chủ trương góp vốn và không nhất thiết xin ý kiến của Thủ tướng là không thể chấp nhận.
Về quan điểm cho rằng thỏa thuận góp vốn số 6934 là bản ghi nhớ, HĐXX nhận định không có căn cứ. Bản thân Đinh La Thăng ký thỏa thuận này không đúng thẩm quyền, vượt quá chức năng khi chưa được Thủ tướng đồng ý về mặt chủ trương.
Hậu quả PVN góp vốn vào Oceanbank liên quan tới thỏa thuận này và bản thân bị cáo Đinh La Thăng phải có trách nhiệm. Xét tính chủ quan, các bị cáo buộc phải biết những hành vi này là sai phạm: “Xét tính chất vụ án đặc biệt nghiêm trọng nên không chấp nhận đơn xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo”, HĐXX nhận định.
Một bị cáo được thay đổi tội danh
Từ những quan điểm trên, HĐXX cấp phúc thẩm nhận định các bị cáo bị truy tố đúng pháp luật. Tuy nhiên, cần có sự cá thể hóa trách nhiệm hình sự như trong bản án mà cấp sơ thẩm đã tuyên.
Riêng với bị cáo Phan Đình Đức, HĐXX kết luận chưa đủ cơ sở chứng minh bị cáo đã ký văn bản trước ngày ban hành. Bị cáo không phản đối nhưng vẫn ký tên là hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; vì vây, HĐXX thấy cần chuyển tội danh cho bị cáo sang tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Liên quan tới việc chiếm đoạt 20 tỷ đồng của bị cáo Ninh Văn Quỳnh, HĐXX nhận định bị cáo đã nhận tiền sử dụng vào mục đích cá nhân. Nguyễn Xuân Sơn khai chi cho Ninh Văn Quỳnh 180 tỷ đồng nhưng không xuất trình được giấy tờ biên nhận nên không đủ cơ sở xác định lời khai này. Vì vậy, việc áp dụng tội danh “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” với bị cáo là có căn cứ nên HĐXX không chấp nhận kháng cáo của Nguyễn Xuân Sơn, cũng như không chấp nhận giảm hình phạt cho bị cáo Quỳnh.
Đi đến kết luận, HĐXX tòa án cấp cao tại Hà Nội tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, tổng hợp với 13 năm tù trong bản án trước đó, buộc bị cáo phải chấp hành bản án 30 năm, buộc bồi thường 600 tỷ đồng.
HĐXX cũng tuyên phạt bị cáo Vũ Khánh Trường 5 năm tù, buộc bồi thường 40 tỷ đồng; Nguyễn Xuân Sơn 30 tháng tù, tổng hợp với bản án tử hình trước đó, bị cáo chịu mức án chung là tử hình, buộc bồi thường 15 tỷ đồng.
Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Xuân Thắng bị tuyên 22 tháng tù, bồi thường 15 tỷ đồng; Nguyễn Thanh Liêm lĩnh án 20 tháng cải tạo không giam giữ, bồi thường 15 tỷ đồng. Đối với Phan Đình Đức bị tuyên hình phạt cảnh cáo với tội danh được thay đổi.
Riêng bị cáo Ninh Văn Quỳnh bị truy tố hai tội danh, tòa phúc thẩm tuyên phạt 7 năm tù về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và 16 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.