Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bắc Giang, hiện trên địa bàn tỉnh đang có một số công trình cần tu bổ như: Hệ thống đê cấp III trên địa bàn huyện Tân Yên từ K6+000 đến K14+700; cải tạo, nâng cấp cống Chuông, đê hữu Thương; cải tạo, nâng cấp cống Đại La và cống Yên Ninh, đê tả Cầu, huyện Hiệp Hòa; xử lý cấp bách đê hữu Thương, huyện Yên Dũng, Tân Yên các đoạn K0-K1+500; K2+300-K5+300; K10+000-K17+500; K27+160-K30+200 và tiểu dự án đầu tư tu bổ, nâng cấp đê điều năm 2020. Ước tính tổng kinh phí thực hiện các dự án hơn 300 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tuyến đê tả Thương, đoạn qua xã Xuân Phú, Hương Gián (Yên Dũng) hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Các hạng mục chính cần cải tạo gồm: Đắp đất hoàn thiện mặt cắt đê từ K16+700-K20+450 (3.615m), mái đê trồng cỏ chống xói mòn; cứng hóa mặt đê với kết cấu lớp dưới cấp phối đá dăm 14cm, lớp mặt bê tông dày 25cm, mặt đê rộng 5m, hai bên đắp lề rộng mỗi bên 0,5m; xây dựng một số dốc lên đê. Tổng kinh phí đầu tư hơn 13 tỷ đồng.
Đây là tuyến có vai trò ngăn lũ, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản nhân dân trong vùng và là công trình giao thông quan trọng. Hiện, tuyến đê này đã được thi công đạt khoảng 50% kế hoạch. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành trước ngày 31/12/2020.
Hiện, các dự án đang cải tạo, tu bổ đê trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đang được gấp rút thực hiện. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh cũng tích cực phối hợp với cơ quan chức năng hoàn thiện thủ tục về phê duyệt phương án kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu, phấn đấu đưa công trình về đích đúng hẹn.
Việc cải tạo, tu bổ các tuyến đê đã góp phần bảo đảm an toàn công trình, tăng khả năng chống lũ trong mùa mưa bão. Do đó, trong những năm gần đây, hệ thống đê điều của tỉnh Bắc Giang luôn vững vàng, đảm bảo chống lũ an toàn, hiệu quả.
Đê điều là công trình chống lũ quan trọng, góp phần bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản người dân khi mưa bão xảy ra. Do nhiều tuyến đê không có điều kiện bảo dưỡng nên từ đầu tháng 6 đến nay, toàn tỉnh xảy ra khoảng 10 sự cố về đê điều và dự báo có thể xuất hiện thêm ở một số vị trí khác.
Ông Nguyễn Hồng Kỳ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Để bảo đảm an toàn công trình, Sở vừa có văn bản yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương chỉ đạo các đơn vị thi công hoàn thành những hạng mục đê điều đang dở dang; khắc phục, sửa chữa các phần công việc không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật theo thiết kế được phê duyệt; chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu để xảy ra sự cố mất an toàn đê”./.