Sau khi bị kiểm soát, ngân hàng bị mất cả trụ sở
VCSB được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép hoạt động trong thời hạn 99 năm, có trụ sở tại 59 Trần Hưng Đạo, phường 1, TP Vũng Tàu. Tuy nhiên, khi mới chỉ hoạt động đến tháng 8/1999 thì Thống đốc NHNN đã có quyết định “đặt VCSB vào tình trạng kiểm soát đặc biệt” vì cho rằng ngân hàng này “vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 92 Luật Các tổ chức tín dụng”.
Ngoài việc yêu cầu tạm dừng huy động vốn cho vay, tập trung thu hồi nợ, xử lý tài sản cố định, phát mãi tài sản xiết nợ để trả tiền gửi của dân…, quyết định trên còn nêu rõ, VCSB phải củng cố lại bộ máy HĐQT, Ban kiểm soát (BKS), Ban điều hành…; lựa chọn nhân sự đủ điều kiện, tiêu chuẩn để bầu lại tại đại hội cổ đông…”. Ngoài ra,VCSB đã được Chính phủ cho vay đặc biệt (thông qua VCB) 94,5 tỷ đồng để chi trả tiền cho người dân gửi trước hạn do VCSB bị kiểm soát đặc biệt.
Đến đầu năm 2000, trong khi đang phối hợp cùng BKS đặt biệt để thu hồi nợ, bán tài sản thế chấp… nhằm trả tiền cho khách hàng thì ông Lê Ân (Chủ tịch HĐQT VCSB) đã bị bắt giam và xét xử về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Sau khi ông Lê Ân bị bắt giam, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, năm 2000, VCSB đã bàn giao một số tài sản đang quản lý cho VCB Vũng Tàu quản lý. Ba năm sau, VCB Vũng Tàu đã ký hợp đồng ủy quyền cho Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản (DVBĐGTS) tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu tiến hành bán đấu giá một số tài sản của VCSB nhằm lấy tiền trả nợ, trong đó có 7 nhà, đất tại TP Vũng Tàu, gồm nhà, đất số 59 (nay là 43) Trần Hưng Đạo, phường 1; Khách sạn, nhà hàng tại 63 Lê Hồng Phong, phường 3; Biệt thự số 41/1C Phan Chu Trinh, phường 2; Khách sạn tại 60 A1- 60A2 Lê Hồng Phong, phường 8; Lô đất hơn 10.000m2 tại 18A Phước Cơ; Nhà đất 52/8A và 52/8A1 Trần Phú, phường 1; Nhà đất số 34 (nay là 26) Trần Phú, phường 1.
Một số dấu hiệu sai luật
Theo ông Lê Ân thì việc VCB Vũng Tàu cho bán đấu giá các tài sản trên là trái luật, vượt quyền, gây thiệt hại cho VCSB. Nếu chiếu theo Quyết định số 04/2000/QĐ-NHNN5-TYM thì VCB chỉ được “tham gia kiểm soát và xử lý VCSB”. Khoản 3, Điều 2 Quyết định này nêu rõ: “VCB có trách nhiệm cùng VCSB nhanh chóng thu hồi và phát mãi các tài sản thế chấp thu được; Chỉ đạo giám sát VCSB sử dụng mọi tài sản của VCSB để có nguồn tiền chi trả tiền gửi hợp pháp của người gửi tiền và hoàn trả nợ vay cho VCB”.
Trước đó, tại Quyết định “kiểm soát đặt biệt VCSB” năm 1999, Thống đốc NHNN cũng nêu rõ trách nhiệm của HĐQT, BKS, Ban điều hành VCSB là “rà soát và hoàn chỉnh hồ sơ tài sản thế chấp, tài sản đã thu hồi để tổ chức phát mại lấy tiền chi trả tiền gửi của dân”.
Ngoài ra, quyết định trên cũng nhấn mạnh trách nhiệm của BKS đặc biệt của NHNN tại VCSB là: “Làm đầu mối phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hỗ trợ VCSB thu hồi nợ cho vay, xử lý tài sản cố định, phát mại tài sản xiết nợ, xử lý các khoản nợ khó đòi nhằm thu hồi tối đa tài sản để chi trả tiền gửi của dân chúng”.
Như vậy, theo các văn bản trên thì VCB không được tự tiến hành thu hồi và phát mãi hoặc sử dụng tài sản của VCB để trả nợ. VCB Vũng Tàu chỉ là một đơn vị cấp dưới của VCB thì lại càng không được thực hiện công việc này. Việc phát mãi tài sản phải do chính VCSB thực hiện, dưới sự hỗ trợ, chỉ đạo, giám sát của một số đơn vị (mà VCB chỉ là 1 trong các đơn vị này). Hơn nữa, khoản nợ của VCSB là do được Chính phủ cho vay hỗ trợ đặc biệt, miễn trả lãi và không ấn định thời hạn phải trả. Năm 2003, VCB chưa có văn bản yêu cầu VCSB trả khoản nợ này nên không cần thiết phải vội vàng bán 7 khối tài sản như trên.
Với quan điểm trên, ông Lê Ân cho rằng việc VCB Vũng Tàu thực hiện phát mại tài sản của VSCB khi không có sự đồng ý và tham gia của chủ sở hữu, không có quyết định của cơ quan có thẩm quyền là trái quy định, gây thiệt hại cho VCSB, khiến cho VCSB không còn trụ sở để hoạt động. Vì vậy, Tòa cần tuyên bố các giao dịch bán đấu giá 7 khối tài sản trên là vô hiệu, trả lại cho Hội đồng tự xử lý, thanh lý và giải thể VCSB quản lý, sử dụng.
Được biết, ngay sau khi thụ lý vụ kiện, TAND TP Vũng Tàu đã có thông báo cho các đương sự nộp văn bản ghi ý kiến của mình và các chứng cứ, tài liệu kèm theo để Tòa giải quyết.
Trước đó, vào tháng 7/2003, thông qua Trung tâm DVBĐGTS, VCB Vũng Tàu đã bán trụ sở của VCSB tại số 43 (số cũ 59) Trần Hưng Đạo cho ông Nguyễn Minh Hưng (TP HCM) với giá hơn 13 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc này có nhiều bất thường bởi trụ sở của VCSB (điều kiện vật chất để ngân hàng hoạt động) đã bị bán khi VCSB còn rất nhiều tài sản khác. Cuộc bán đấu giá chỉ có hai khách hàng tham gia và tài sản được mua cao hơn giá khởi điểm chưa đến 10 triệu đồng. Hơn nữa, khách hàng còn được “ưu ái” trả dần tiền mua nhà trong hơn 1 năm trong khi mục đích bán tài sản là để VCSB lấy tiền, trả cho dân.
Đáng nói, thời điểm tháng 7/2003 thì VCSB vẫn đang là một pháp nhân tồn tại hợp pháp (giấy phép hoạt động còn hiệu lực) và đang tiến hành củng cố lại bộ máy theo yêu cầu của Thống đốc NHNN. Tuy nhiên, do đã bị bán mất trụ sở nên VCSB đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Theo ông Lê Ân thì việc này còn làm cho VCSB không có cơ hội hoạt động trở lại vì đã bị mất trụ sở cùng các tài sản quan trọng khác như hầm bạc, quầy giao dịch, kho chứa tài liệu…