Các đối tượng bị truy tố gồm: Lê Đăng Nghĩa (SN 1991), Nguyễn Văn Ba (SN 1995), Đoàn Đức Anh (SN 1993), Trịnh Văn Quý (SN 1994, cùng quê Thanh Hóa), Hoàng Quốc Vượng (SN 1991, quê Bắc Giang) và Ngô Việt Tiến (SN 1991, thường trú TP Hà Nội).
Các đối tượng này kết thân với nhau và lập nên một nhóm chuyên hoạt động cho vay tiền với lãi suất cao trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Được biết các đối tượng thuê một căn hộ tại lô B, chung cư 18 tầng, phường Phú Mỹ, TX.Phú Mỹ để ở và bàn chuyện “làm ăn”.
Trong nhóm, Nghĩa nhận tiền vốn từ một đối tượng tên Sơn (chưa rõ nhân thân, lai lịch) để quản lý và phân chia địa bàn để các đối tượng còn lại tiếp cận người dân.
Với lãi suất “cắt cổ” 1%/ngày, trả góp trong 25 ngày liên tục, tính ra mỗi ngày người vay phải trả 1% tiền lãi và 1/25 tiền gốc. Hằng ngày, các đối tượng trong nhóm thu tiền về rồi giao lại cho Nghĩa giữ. Khoảng 01 đến 02 tháng, đối tượng tên Sơn cho người đến gặp Nghĩa để lấy tiền.
Nghĩa được Sơn đưa lại một phần tiền lãi để trả lương, chi phí ăn ở, xăng xe đi lại cho cả nhóm. Ngoài ra, mỗi tháng Sơn cho thêm Nghĩa 8 triệu đồng, các đối tượng còn lại mỗi người 6 triệu đồng.
Sơn quản lý nhóm đối tượng cũng như kiểm soát hoạt động cho vay trên bằng một group Zalo tên “Vũng Tàu”. Khi cho vay tiền, nhóm của Nghĩa ghi giấy nợ đưa cho người vay ký tên rồi dùng điện thoại chụp ảnh gửi lên group để Sơn đối chiếu theo dõi.
Trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến cuối tháng 11/2019, bằng cách phát tờ rơi, danh thiếp, tiếp cận người dân và thông qua chủ các quán cà phê, nhóm của Nghĩa đã cho 45 người vay với số tiền thu lợi bất chính hơn 156 triệu đồng. Trong đó, Nghĩa cho 9 người vay, Tiến cho 5 người vay, Vượng cho 4 người vay, Quý cho 4 người vay, Đức Anh cho 12 người vay và Ba cho 11 người vay. Riêng đối tượng Sơn PC02 tiếp tục điều tra, xác minh và xử lý sau.
Thủ tục cho vay hết sức đơn giản và nhanh chóng, không cần thế chấp, chỉ cần gọi điện thoại là có tiền. Người đi vay chỉ cần đưa CMND phô tô, hóa đơn tiền điện hoặc giấy tờ tùy thân khác, thậm chí chỉ cần cung cấp thông tin chủ sim điện thoại là có thể vay tiền.
Sau khi cho vay tiền, các đối tượng cho nhân viên đến thu tiền lãi đúng hạn, nhưng khi người vay có tiền để trả vốn thì bị nhân viên này tìm mọi cách không cho gặp chủ nợ để trả, nhằm kéo dài thời gian phải trả lãi.
Ngoài ra, một số người dân cần tiền kinh doanh, hoặc đáo hạn ngân hàng cũng được cho vay “nóng” hoặc trả góp theo ngày với lãi suất cao. Đến khi người vay không còn khả năng trả nợ, sẽ bị các đối tượng đe dọa hành hung, bắt cóc, bôi nhọ danh dự, thậm chí đe dọa người thân của người vay nhằm tạo sức ép phải bán nhà cửa, tài sản để trả nợ thay cho người vay.
Hiện PC02 đã chuyển hồ sơ vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự nêu trên đến Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh xem xét, ra quyết định truy tố các đối tượng để xét xử theo quy định pháp luật.