Về xã Vũ Bản, Bình Lục, Hà Nam hỏi ông Trần Xuân Diễn ai cũng biết, vì ông là người cha có ba con trai là liệt sĩ. Ông là chồng cô ruột tôi, bà Nguyễn Thị Mùi. Tôi gọi ông là chú rể. Năm 1995, cô tôi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đợt đầu tiên.
Được sự giáo dục sâu sắc của người cha về lòng yêu Tổ quốc, năm 1950 khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, con trai cả của cô chú tôi là Trần Xuân Lộc mới 18 tuổi đã xung phong đi bộ đội và đến năm 1953 thì hy sinh trong một trận chống càn ở Ninh Bình. Năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, con trai thứ hai của cô chú tôi là Trần Xuân Dụ sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự ba năm đã phục viên, được nhận công tác ở Ty thương nghiệp tỉnh Nam Hà (trước đây).
Năm 1965, khi giặc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam và ném bom đánh phá miền Bắc, tuy không trong diện bắt buộc tái ngũ vì gia đình đã có một con là liệt sĩ chống Pháp nhưng theo tiếng gọi của Tổ quốc, lại mang trong mình dòng máu yêu nước của người cha, Trần Xuân Dụ lại xung phong nhập ngũ lần thứ hai sau khi được sự khuyến khích động viên của gia đình, nhất là chú tôi. Dụ đã chiến đấu bốn năm ở chiến trường C giúp bạn Lào và đến cuối năm 1969 đã hy sinh ở Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng.
Năm 1966, con trai út của cô chú tôi là Trần Xuân Chiến lại xung phong nhập ngũ. Gọi là xung phong vì trường hợp này hoàn toàn tự nguyện. Gia đình cô chú tôi có ba con trai, khi ấy một con đã hy sinh, một con đang tại ngũ chưa biết sống chết thế nào, còn một con trai út tuy trong độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự nhưng địa phương vẫn xếp vào diện được miễn. Nhưng trước nhiệt tình cháy bỏng của lớp trẻ lúc bấy giờ mà gia đình không ngăn cản.
Nguyện vọng được vào bộ đội cầm súng để chiến đấu giải phóng miền nam của Trần Xuân Chiến được chấp nhận. Và người con trai út của cô chú tôi đã lại ngã xuống trong Tết Mậu Thân (1968) trên chiến trường Quảng Ngãi. Thế là cả ba người con của ông bà đều làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình với Tổ quốc và nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Có một lần tôi thành thật hỏi ông:
- Năm 1965, em Dụ xung phong tái nghĩ khi Lộc đã hy sinh, sao chú không khuyên em nó ở lại?
Chú tôi trừng mắt:
- Anh là bộ đội mà lại hỏi tôi vậy ư? Làm cha, làm mẹ không ai muốn con mình rứt ruột đẻ ra lại đi vào nơi bom đạn, máu chảy đầu rơi, nhưng nước ta lúc đó đang bị chia cắt. Bọn Mỹ ồ ạt đưa quân vào xâm lược miền nam, dùng máy bay, tàu chiến đánh phá miền bắc. Hồi ấy tôi đã sáu chục tuổi chứ nếu còn trẻ tôi cũng xung phong đi chiến đấu. Chính vì nghĩ vậy nên tôi không bụng dạ nào nỡ can ngăn nhiệt tình và lòng yêu nước của em anh…
Chú tôi nước mắt ròng ròng và còn nói câu nữa làm tôi nhớ mãi:
- Anh ạ, thật lòng mà nói, khi ấy tôi tin tưởng là hai đứa chỉ đi vài năm rồi chiến thắng trở về. Nào ngờ cuộc chiến ác liệt quá. Tiễn con đi mà không một lần được đón con ngày về. Cả hai thằng em đều theo anh cả Lộc nó ra đi mãi mãi!...
Năm 1995, cô ruột tôi được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Còn chú tôi tuy không được nhận danh hiệu gì cao quý nhưng ông đã để lại tiếng thơm cho làng xã, cho đời sau. Chẳng thế mà đến nay nhiều bà con ở làng quê vẫn nói vui, mỗi năm đến ngày giỗ của ông và Ngày thương binh liệt sĩ :"Giá Nhà nước ta có thêm danh hiệu "Ông bố Việt Nam Anh hùng" thì cụ Diễn quê mình chắc chắn sẽ đứng đầu danh sách cả xã, cả huyện..."
Còn đối với tôi và nhiều người trong dòng họ, ông là người bạn đời xứng đáng của một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và là người cha rất đáng kính trọng của ba con trai là liệt sĩ chống Pháp, chống Mỹ.
Nguyễn Thế Trường