Vốn đến tay người nghèo, người tàn tật
Từ một thanh niên tàn tật, Nguyễn Đình Thủy (SN 1985, trú tại bản Hạnh Tiến, xã Châu Hạnh, Quỳ Châu, Nghệ An) đã nỗ lực vượt qua số phận, vươn lên thoát nghèo nhờ có sự giúp sức từ vốn vay ưu đãi của NHCSXH. Thuở bé, Thủy cũng khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác, đến 18 tháng trận sốt co giật đã khiến Thủy phải nằm một chỗ không thể cử động được, dù gia đình đã đưa đi cứu chữa khắp nơi nhưng không có biến chuyển gì.
Lên 7 tuổi, Thủy bắt đầu tập đi, những bước đi chập chững ngã đến thâm tím hết người nhưng vẫn không làm Thủy nản lòng. Thế rồi, sau thời gian tập tành, Thủy đã có thể đứng lên và đi bằng đôi chân không lành lặn của mình.
Năm 2011, Thủy lấy vợ và sinh con. Mạnh dạn vay 30 triệu đồng tiền theo chương trình sản xuất kinh doanh của NHCSXH, Thủy đầu tư vào cải tạo 3000m3 ao cá, trồng 3 hecta rừng keo tràm, chăn nuôi khoảng 30 con lợn thịt và lợn đẻ…
Năm 2014, sau khi trả số tiền vay ngân hàng, Thủy được vay 40 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo và 12 triệu đồng từ chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn để tiếp tục đầu tư khoan giếng nước, nuôi thêm gà, vịt và trồng cây ăn quả. Cùng với đó, Thủy mở thêm ki ốt sửa chữa xe máy cho bà con kiếm thêm thu nhập.
“Nếu không được tiếp cận vốn vay ưu đãi của NHCSXH thì tôi không biết giờ này như thế nào. Vốn chính sách đúng thực sự là “bà đỡ” của những người nghèo như gia đình tôi và những hộ nghèo trên cả nước...” - anh Thủy tâm sự.
Theo bà Phạm Thị Yên, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TKVV) Hội Phụ nữ bản Hạnh Tiến, toàn bản có 53 tổ viên được vay vốn NHCSXH với số vốn gần 2 tỷ đồng. Hầu hết bà con đều có ý thức tốt trong việc sử dụng vốn vay đúng mục đích cũng trả nợ khi đến hạn. Tổ TKVV của bản cũng đã tiết kiệm được 110 triệu đồng, trước đã được rút ra 100 triệu đồng để trả nợ.
Một trường hợp nhờ vốn chính sách mà thay đổi cuộc sống mà bà con ở Hạnh Tiến hay nhắc tới là trường hợp của anh Nguyễn Văn Toàn (SN 1971, trú tại xóm Hạnh Tiến, xã Châu Hạnh) cũng thuộc đối tượng được vay vốn chính sách với 25 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo, 8 triệu từ chương trình nước sạch và 21 triệu đồng tiền vốn vay học sinh sinh viên (HSSV).
Số tiền vay vốn được anh đầu tư mua trâu, lợn và dê. Năm 2013, gia đình thoát nghèo, sau khi trả nợ anh được vay tiếp 20 triệu đồng tiền vay đối với hộ mới thoát nghèo. Gia đình anh đầu tư mua toàn bộ dê về chăn nuôi, hiện đàn dê đang phát triển rất tốt với 15 con dê sinh sản, vừa rồi anh đã bán 9 con dê thịt thu nhập hàng chục triệu đồng.
Đồng hành cùng người nghèo thoát nghèo
Ông Trần Nguyên Hồng - Tổ trưởng Tổ TKVV Hội Nông dân xóm Hạnh Tiến - cho biết, tổ có 51 tổ viên vay vốn, thời điểm cao nhất có 57 tổ viên, hiện 4 hộ đã thoát nghèo. Hộ gia đình anh Nguyễn Văn Toàn cũng như những hộ vay vốn khác đều phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, hiện toàn tổ đã tiết kiệm được gần 100 triệu đồng.
Ngoài anh Toàn thì trong tổ có hộ bà Lê Thị Quê được vay 30 triệu từ chương trình hộ nghèo, 8 triệu làm nhà và tiền nước sạch, hiện có hơn 10 con dê, 1 con trâu kéo. Hay như hộ anh Nguyễn Văn Trợ (có vợ bị mù) được vay 40 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo, hiện đã có ba con trâu lớn trị giá hơn 100 triệu đồng, sửa được nhà và sắm được hai chiếc xe máy…
Đó là những hộ điển hình trong việc phát huy vốn vay ưu đãi, còn rất nhiều, rất nhiều hộ dân khác được vay vốn phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo tại huyện huyện miền núi Quỳ Châu, Nghệ An. Kết quả thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại Quỳ Châu giai đoạn 2011 – 2015 có nhiều thành tích đáng ghi nhận. Trong đó, dư nợ trong 5 năm là gần 111,4 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 15,9%. Riêng dư nợ cho vay hộ nghèo trong 5 năm tăng 50,685 tỷ đồng, bình quân hàng năm tăng gần 10,14 tỷ đồng.
Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Tính đến cuối năm 2015, hộ nghèo còn dư nợ NHCSXH là 5.057 hộ, chiếm trên 90% số hộ nghèo đã được vay vốn chính sách.
Vốn CSXH đã góp phần vào phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, tỉ lệ hộ nghèo từ 57,1% năm 2011 xuống còn 35,12% năm 2015. Trong 7 tháng đầu năm 2016, tổng dư nợ cho vay 231.370 triệu đồng, trong đó một số chương trình cho vay có dư nợ lớn như hộ nghèo 110.232 triệu đồng; hộ cận nghèo 24.518 triệu đồng; HSSV 22.904 triệu đồng; vốn vay sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn là 34.015 triệu đồng…
Vốn sản xuất rất cần thiết đối với người dân, và càng cần hơn đối với những hộ nghèo, cận nghèo những huyện miền núi khó khăn. Vì thế, NHCSXH chi nhánh huyện Quỳ Châu luôn xác định vai trò của mình trong việc xác định đúng đối tượng cho vay vốn để thúc đẩy việc giảm tỉ lệ hộ nghèo trên toàn huyện và toàn tỉnh.