Bún Thủ Đức với nguyên liệu chính từ gạo nguyên chất, không pha trộn bột năng và các hóa chất khác, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, ngon, tơi xốp không rã nát trong nước... từ lâu đã trở thành một thực phẩm quen thuộc và gần gũi với người tiêu dùng (NTD) tại TPHCM và vùng lân cận.
Vì vậy, dù bị đối thủ cạnh tranh trực tiếp làm giả, nhái thương hiệu rồi tung ra những tin đồn thất thiệt nhằm làm mất uy tín thương hiệu nhưng bún Thủ Đức vẫn được NTD tín nhiệm, đặc biệt là những bà nội trợ khó tính. Dưới đây là những chia sẻ thú vị của bà Nguyễn Thị Bính, giám đốc Công ty TNHH SX TM DV Nguyễn Bính, chủ thương hiệu bún Thủ Đức.
Doanh nhân Nguyễn Thị Bính |
Là nhà sản xuất bún, nhưng bà đã đấu tranh để nói không với chất phụ gia, không dùng hoá chất Tinopal, Hàn the, Benzoat(chất chống mốc). Bà có thể chia sẻ với bạn đọc về hành trình này?
- Khi nhu cầu thị trường tăng cao thì trên thị trường xuất hiện tình trạng chạy theo lợi nhuận mà dùng hóa chất trong công nghiệp là tinopal để làm trắng, sáng bún. Mình cũng là đơn vị trực tiếp sản xuất bún nhưng hoàn toàn không làm như thế. Một cuộc cạnh tranh không lành mạnh như vậy thì sẽ thiệt thòi cho người làm ăn chân chính. Vì thế, mình buộc phải lên tiếng. Lên tiếng để bảo vệ những người làm ăn có lương tâm và cũng là bảo vệ chính mình. Thế là năm 2004 tôi viết đơn gửi đến các ban ngành về y tế, an toàn thực phẩm TPHCM để tố cáo các hành vi bỏ hóa chất cho bún dai, trắng, không ôi thiu… Lúc đó, cơ quan chức năng còn nghi ngờ tôi. Vì họ không tin rằng, một đơn vị làm bún lại dám vạch áo cho người xem lưng như vậy.
Sự “chìm xuồng” đó chỉ càng gây thêm nỗi uất ức trong tôi. Vì thế tôi lại càng kiên trì lên tiếng tố cáo các hành vi lạm dụng hóa chất trong sản xuất bún. Bất kỳ hội thảo, tọa đàm nào về an toàn vệ sinh thực phẩm, gặp bất kỳ lãnh đạo, cơ quan chuyên ngành nào về y tế… tôi cũng đem câu chuyện “bún có tinopal” ra để cảnh báo, nhắc nhở và đề nghị cần cuộc điều tra, ngăn chặn. Kết quả là năm nay, nổi lên một cuộc thanh tra nghiêm túc và sự phán xét của cơ quan chức năng thì như NTD đã biết đấy.
Trong hành trình đó, chắc hẳn bà gặp không ít khó khăn?
- Trong suốt quá trình đi tìm sự công bằng đó, có lúc tôi bị những đối thủ cạnh tranh trực tiếp làm giả, nhái thương hiệu bún Nguyễn Bính – Thủ Đức rồi tố ngược lại và những lời đe dọa, vu khống… nói chung là áp lực không phải nhỏ. Thực ra thì từ khi thành lập công ty thì tôi đã đối diện với việc cạnh tranh không lành mạnh rồi. Nhưng tôi thì tin vào triết lý nhà Phật. Họ xấu với mình nhưng mình không xấu với họ là được. Trồng cây Phúc như thế nào thì sẽ gặp được như thế đó. Mình không đụng chạm đến ai, chỉ phản ánh cái chung, mang lợi ích cho xã hội. Nhờ thế tôi mới có đủ nghị lực để đi đến cùng của hành trình. Cả thị trường làm bún bẩn là “đá” còn mình là “trứng”. Lâu nay trứng làm sao chọi được với đá. Nhưng mình là trứng sạch, được tôi luyện từ nền tảng tốt thì sẽ thắng được đá xấu.
Dây chuyền sản xuất bún Thủ Đức – Nguyễn Bính |
Đứng trước những khó khăn hiện tại, trong đó có không ít tin đồn có thể gây hiểu lầm cho NTD, Bún Thủ Đức đã ứng xử thế nào, thưa bà?
- Bún Thủ Đức – Nguyễn Bính vẫn kiên trì đi theo hướng mình đã chọn: sản phẩm phải ngon và an toàn. Đến nay, công ty đã mạnh dạng đầu tư thiết bị - công nghệ vào sản xuất, nhằm gia tăng số lượng để đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng tiêu thụ. Bên cạnh đó, khâu bảo quản cũng được chú trọng không kém, với phương pháp hút chân không hiện đại đã góp phần làm cho sợi bún đến tay người tiêu dùng giữ được độ khô, bóng, giòn và dai nhất định, hoàn toàn không sử dụng bột năng, bột lọc, và có thể giữ lâu trong thời gian dài nhất định, nhưng vẫn đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng quy định của của Bộ Y Tế. Đó là cách mà Bún Thủ Đức - Nguyễn Bính thu hút NTD đến gần hơn với sản phẩm nguyên chất 100%. Vì vậy từ sau khi thông tin bún chứa chất làm trắng độc hại, sản lượng tiêu thụ bún Thủ Đức của Công ty Nguyễn Bính đã tăng tới hơn 30%.
Thưa bà, được biết là sau sự cố về hóa chất trong bún, bà có ý định thành lập Hiệp hội làm nghề chế biến tinh bột sạch. Bà có thể cho biết về mục đích hoạt động của hiệp hội này?
- Tôi mong muốn mình và những người làm ăn chân chính như mình đều được bảo vệ. Nhưng hiện tại Việt Nam chưa có tổ chức nào để liên kết những cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp về tinh bột. Vì thế, Hiệp hội làm nghề chế biến tinh bột sạch sẽ là một sân chơi cho làng nghề tiểu thủ công nghiệp về tinh bột không có hóa chất độc hại, giải quyết vấn nạn về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cảm ơn bà!
Mai Đức Hòa (thực hiện)