Lớp học bơi miễn phí ở suối làng
Sự ra đời của lớp bơi này cũng thật đặc biệt. Trước đây, 3 chàng trai Y Pyiu, Y Tai (cùng SN 1994), Rơ Ni (SN 2000, cùng ngụ làng Xoă, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đi chăn bò chung với nhau. Hàng ngày, 3 chàng trai đi chăn bò dọc các con suối gần làng. Lúc đàn bò thủng thẳng gặm cỏ thì cả 3 đằm mình dưới suối bắt tôm cá.
Nghĩ đến việc mỗi năm trên địa bàn tỉnh Gia Lai xảy ra hàng chục vụ đuối nước khiến nhiều em nhỏ tử vong, các chàng trai với quyết tâm giúp các em trong làng biết bơi. Họ bắt đầu lên internet lục tìm cách dạy bơi, các kỹ năng sinh tồn dưới nước.
“Trên internet người ta hướng dẫn kỹ nhưng áp dụng sẽ khó, bởi các em ở nhiều độ tuổi khác nhau, nhận thức sẽ không như nhau, rồi phương tiện tập luyện hạn chế. Chúng tôi bàn mãi rồi cũng quyết tâm dạy các em, với việc lúc đầu sẽ giúp các em nổi, thăng bằng trên nước bằng vật dụng gì đó, rồi sau mới tập động tác bơi dần dần”, anh Y Pyiu cho biết.
Từ đó, 3 chàng trai chọn con suối trong làng Xoă để dạy các em bơi trong những buổi chăn bò. Dạy được một thời gian thì đến cuối năm 2017, cả 3 chàng trai không còn chăn bò nữa nên việc học bơi của nhiều em dở dang.
Đến đầu năm 2019, liên tục nghe trên báo, đài xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm, các chàng trai lại nghĩ về sự khó khăn của những trẻ em chưa biết bơi ở làng, ở xã mình. Vì vậy, 3 chàng trai quay lại mở lớp dạy bơi tập trung tại con suối ở làng cho trẻ em ở xã Chư Đăng Ya.
Lớp bơi miễn phí của 3 chàng trai ở làng Xoă. |
“Các em không biết bơi nhưng lại rất thích đi tắm suối. Em này thấy em kia bơi được cứ thế nhảy ào xuống. Những lúc như vậy mà không có người biết bơi giúp đỡ thì rất nguy hiểm. Vậy nên, chúng tôi quyết tâm mở lại lớp một các bài bản để dạy bơi miễn phí cho các em”, anh Y Tai cho biết.
Gần một năm nay, bất kể trời nắng hay mưa, đám trẻ em làng Xoă, rồi lan rộng ra cả xã Chư Đăng Ya lại ríu rít tụ họp mỗi khi chiều về. Điểm dừng chân của các em là con suối nhỏ cuối làng Xoă, nơi có lớp dạy bơi của 3 chàng trai trong làng.
Sau màn khởi động trên cạn khoảng 10 phút, các em cầm phao bơi độ chế chạy ùa xuống suối. Cả lớp được chia thành 3 tốp, án ngữ 3 đoạn suối. Anh Y Pyui dạy kỹ năng cứu người bị đuối nước cho các em đã bơi thành thạo, anh Y Tai dạy kỹ thuật bơi ngửa cho một tốp khác, còn anh Rơ Ni phụ trách lớp các em mới.
Trước khi học bơi, các em được nghe giảng lý thuyết |
Qua phần giảng lý thuyết, các em được trang bị kiến thức về môn bơi lội, kỹ thuật bơi cơ bản để phòng ngừa đuối nước, cách nhận biết vùng nước nguy hiểm, cách cứu người đuối nước, các kỹ năng sơ cứu người đuối nước.
Để phần lý thuyết cho các em dễ hiểu, 3 chàng trai thực hành dưới suối từng động tác cụ thể. Sau phần lý thuyết, 3 chàng trai tận tình chỉ cách lặn, ngụp, đạp chân, sải tay cho từng em. Dù được tổ chức ở con suối nhỏ nhưng lớp học bơi này luôn ngập tràn tiếng cười nói vui vẻ
“Việc dạy bơi của chúng tôi là tự nguyện và miễn phí hoàn toàn. Các em trong xã đến đây thấy các bạn học bơi là tự vào học luôn, chẳng có ai đưa đến hay xin học gì cả. Chúng tôi cũng nhắn với các em, thấy bạn nào chưa biết bơi thì bảo ra học luôn.
Phao bơi không có thì chúng tôi đi xin những can nhựa hỏng, hoặc chặt những cây chuối rừng để cho các em tập bơi. Còn con số bao nhiêu em đã biết bơi khi tham gia lớp học, chúng tôi không thống kê và không nhớ nổi”, anh Y Tai cho biết.
Học trò nhiều lần cứu người
Theo anh Y Pyiu, em nào học nhanh chỉ cần 7 ngày là biết bơi, chậm nhất thì nửa tháng. Không dừng lại ở chỗ biết bơi, các em còn phải nắm được các kỹ thuật bơi khác nhau, học cách cứu người đuối nước. Nhiều em trong số hàng trăm em được các anh dạy đã cứu được một số bạn thoát khỏi tay “hà bá” trong gang tấc.
Em Siu Than (SN 2008, ngụ làng Xoă) với ánh mắt tự hào nhớ lại, cách đây 2 năm, trên đường đi học về thì em phát hiện một bạn học sinh lớp một chẳng may bị trượt chân rơi xuống suối. Lúc này, không nghĩ ngợi gì, em vội để cặp sách trên bờ ngồi nhảy ùm xuống suối với hy vọng cứu được bạn lên bờ.
Khi đã tiếp cậm được bạn học sinh bị đuối, Siu Than kéo cổ áo bạn từ phía sau đến đoạn nước cạn và cả 2 lên bờ an toàn. Từ đó, Siu Than dẫn bạn bị đuối nước và anh trai của bạn này đến lớp học bơi. Hiện, cả 2 anh em bạn này đều bơi rất giỏi.
Với thành tích cứu người bị đuối nước đáng nể, A Lai (SN 2007, ngụ làng Xoă) khiến nhiều bạn trong lớp khâm phục và tự hào. A Lai cho hay, từ khi đi học bơi em đã bạo dạn hơn và không có cảm giác sợ nước như trước. Từ những kiến thức mà 3 người anh trong làng dạy, A Lai trau dồi thêm, tập bơi nhiều để có thể có đủ sức khỏe khi cần thiết phải cứu người.
“Em đã cứu được 4 bạn bị đuối nước. Lần đầu tiên là năm năm 2017, hôm đó em cùng các bạn đi tắm dưới ao tưới cà phê. Lúc đó, một bạn nữ nhỏ hơn em 2 tuổi mặc dù không biết bơi nhưng vẫn nhảy xuống tắm cùng. Do ao sâu nên bạn nữ bị đuối nước. Thấy vậy, em liền áp dụng những kiến thức đã học, bơi thật nhanh ra để kéo bạn vào bờ. Em mong rằng từ nay không phải cứu thêm một trường hợp nào bị đuối nước nữa, bởi khi đó mọi người sẽ biết bơi và không có những tai nạn đáng tiếc xảy ra”, em A Lai cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Nội - Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya, vùng này có rất nhiều suối, kênh mương thủy lợi, nhất là những hồ nước tưới cà phê sâu hoắm. Đã có nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra, nghiêm trọng là những vụ đuối nước tập thể đã tước đi mạng sống của nhiều trẻ cùng lúc, thậm chí có gia đình mất đi cùng lúc đến mấy đứa con.
“Trước đây, không chỉ vùng này mà nhiều vùng khác thường hay xảy ra các vụ đuối nước trẻ em rất thương tâm. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, trên địa bàn xã không xảy ra vụ đuối nước nào đó là một điều đáng mừng. Đó là nhờ mô hình dạy bơi cho trẻ em của 3 thanh niên làng Xoă. Việc làm của 3 chàng trai này rất đáng được tuyên dương. Chúng tôi hy vọng mô hình này sẽ được lan rộng trên địa bàn vùng sâu, xa của các buôn làng ở Tây Nguyên”, ông Nội cho biết.
Chỉ từ vài em học trong lúc chăn bò, đến nay lớp học bơi đã có hàng trăm em tham gia. 3 chàng trai tổ chức lớp học cũng không giấu tham vọng từng bước dạy bơi cho tất cả thanh thiếu niên trong xã Chư Đăng Ya và lan ra cả huyện Chư Păh. Còn với những người dân ở Chư Đăng Ya, mối lo về con trẻ trước nguy cơ đuối nước sẽ vơi đi rất nhiều vì các em đã được học những kỹ năng để sinh tồn trong môi trường nước, nơi các em tiếp xúc hàng ngày.