Vùng đất lửa thiêng
Azerbaijan là quốc gia có nguồn dự trữ dầu khí khổng lồ. Yanar Dag nằm trên bán đảo Absheron, cách thủ đô Baku 25 km về phía Đông Bắc. Do nằm trên mỏ khí đốt tự nhiên bị rò rỉ nên Yanar Dag liên tục thổi bùng những ngọn lửa có độ cao ít nhất là 3m với không khí xung quanh thường nồng nặc mùi khí gas. Cùng với gió to trên bán đảo Absheron, những đám lửa có hình thù kỳ quái góp phần làm tăng vẻ huyền bí của Yanar Dag - một địa điểm khiến không ít người hoảng sợ.
Những đám cháy như thế từng xảy ra rất nhiều ở Azerbaijan. Tuy nhiên, hầu hết chúng giờ đây đã bị dập tắt do gây ra sự giảm áp suất khí dưới lòng đất, cản trở hoạt động khai thác thương mại. Yanar Dag là một trong số ít nơi vẫn còn “ngọn lửa vĩnh cửu” và có lẽ “núi lửa” duy nhất và cháy lâu nhất còn sót lại ở Azerbaijan.
Khu vực này đang được bảo tồn và là nơi diễn ra nhiều nghiên cứu khảo cổ quy mô lớn. Vào những ngày mùa đông, Yanar Dag lại càng lộng lẫy đến kỳ diệu. Những bông tuyết bay trong không khí, chưa kịp rơi xuống đất đã bị lửa sấy khô, tan biến như mất hút vào hư vô.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, Yanar Dag đã cháy liên tục suốt hàng nghìn năm. Cũng như đền thờ lửa, Yanar Dag cháy trên bề mặt núi đá là do được cung cấp khí từ nguồn khí gas tự nhiên khổng lồ nằm sâu bên dưới. Khác với các núi lửa bùn khác ở Azerbaijan, Yanar Dag không sinh ra bùn hay chất lỏng, vì vậy lửa ở đây lúc nào cũng cháy rừng rực dù ngày hay đêm, dù mưa, tuyết hay gió bão… tạo nên những cảnh tượng huyền bí và khó hiểu cùng những hình thù kỳ quái.
Ngọn lửa cổ đại cháy liên tục suốt 4.000 năm trên sườn núi Yanar Dag |
Nhà thám hiểm người Ý lừng danh Marco Polo từng viết về hiện tượng này khi ông đi qua đất nước Azerbaijan vào thế kỷ 13. Các lái buôn dọc theo Con đường tơ lụa cũng từng truyền cho nhau nghe câu chuyện về những ngọn lửa này. Đó là lý do Azerbaijian từ xa xưa đã được mệnh danh là “vùng đất của lửa”.
Về lịch sử thờ lửa của người dân Azerbaijan, không thể không nhắc đến đền Lửa Ateshgah. Từ thời cổ đại, nhiều người tin rằng vị thần của họ đang trú ngụ tại đây. Đền Ateshgah được xây dựng vào thế kỷ 17, 18 bởi những người di cư từ Ấn Độ đến Baku. Tên đền Ateshgah xuất phát từ tiếng Ba Tư, mang ý nghĩa “ngôi nhà lửa”. Ngôi đền được gắn liền với bái Hỏa giáo nhưng lịch sử nói nhiều về nó như là một nơi thờ cúng của người Hindu.
Đền thờ Ateshgah được xây dựng như một khu phức hợp. Nằm giữa ngôi đền là một miếu thờ mái vòm được xây dựng trên vị trí rò rỉ khí gas. Ngọn lửa cháy liên tục trong miếu thờ này cho đến năm 1969. Sau đó, ngọn lửa được duy trì nhờ nguồn cung cấp khí gas chính của Baku và chỉ được thắp sáng phục vụ du khách.
Bao quanh ngôi đền là 24 căn phòng. Những căn phòng đá không có cửa sổ này từng là nơi sinh sống của các tín đồ “Hỏa giáo”, với điều kiện sống rất khắc nghiệt: mùa đông giá buốt mà không có lò sưởi; còn mùa hè, nhiệt độ lên tới 42ºC.
Đền thờ thần lửa Ateshgah |
Azerbaijan cũng từng là điểm những thương lái, người hành hương nghỉ chân khi đi qua con đường tơ lụa. Vào cuối thế kỷ 19, ngôi đền không còn là nơi thờ cúng thần linh, đó cũng là thời điểm các mỏ dầu xung quanh khu vực này phát triển mạnh mẽ.
Bất chấp những tài liệu nghiên cứu về nguồn gốc của ngọn lửa cổ xưa bắt đầu cháy từ hàng nghìn năm trước, nhiều ý kiến cho rằng lửa từ núi Yanar Dag xuất phát từ một đám cháy gần thủ đô Baku (Azerbaijan) vào năm 1950. Không chỉ Yanar Dag, nhiều ngọn lửa như vậy cũng được tìm thấy trên khắp Azerbaijian. Tuy nhiên, vì chúng dẫn tới tình trạng thiếu khí đốt, người ta đã tìm cách dập tắt một số ngọn lửa và dùng biện pháp ngăn rò rỉ.
Vai trò quan trọng trong tín ngưỡng “Hỏa giáo”
Hơn 5.000 năm về trước, ngọn núi Gobustan là nơi định cư của tộc người Caucasus với những vết tích còn ghi lại cuộc sống thường nhật bằng những nét điêu khắc trên đá. Người Hy Lạp cổ đại tin rằng Zeus xích Prometheus (người đã đánh cắp lửa từ các vị thần), đến dãy núi Caucasus. Rất có thể lý do là ngọn lửa bất tận thống trị ngọn núi của Azerbaijan trong suốt lịch sử.
Trong thuở khai thiên lập địa, người cổ xưa đã nhìn thấy những ngọn lửa từ các mỏ dầu phụt cháy từ lòng đất lên không trung, và vì thế họ luôn có niềm tin vĩnh hằng thần lửa sẽ ngự trị trong trái tim. Zoroastrians (Hỏa giáo - còn gọi là Hiên giáo, Hỏa hiên giáo, Hỏa yêu giáo hoặc Bái hỏa giáo) cùng những quyển kinh Thánh có tên gọi Avesta ra đời.
Hỏa giáo có cội nguồn từ Azerbaijan đã trở thành quốc đạo của người Ba Tư từ những năm 550-330 TCN, ngày nay người Azei vẫn giữ tập tục truyền thống nhảy qua đống lửa để tiêu trừ những điều không hay của năm cũ vào ngày giao thừa trong ngày tết cổ truyền Nowruz của người Ba Tư.
Khi vương triều Achaemenid của người Ba Tư cử đại tướng Atropates đến thu phục người tiền cổ, vùng đất Gobustan có tên mới Atropates được đoàn quân Đại đế Alexandre đọc thành Azerbaijan, theo ngôn ngữ Fasi cổ có nghĩa là “Vùng đất của thần lửa”.
Vào những năm đầu tiên trước Công nguyên, lửa đóng vai trò quan trọng trong tôn giáo Zoroastrian cổ đại ở Azerbaijan. Tôn giáo Zoroastrian có tục thờ thần lửa, bắt nguồn từ Iran sau đó lan sang Azerbaijan và phát triển mạnh mẽ.
Đối với người Zoroastrians, lửa là cầu nối giữa con người và thế giới siêu nhiên và là phương tiện giúp con người khai sáng được tâm linh, trí tuệ. Lửa giúp thanh lọc, duy trì sự sống, đóng vai trò thiết yếu trong việc thờ cúng, tế lễ. Các tín đồ của nó tin rằng, lửa là phương tiện trung gian liên kết giữa con người và thế giới siêu nhiên.
Chuyện bói toán, tiên tri thông qua việc nhìn một ngọn lửa rất thịnh hành. Những ngọn lửa xuất phát từ tự nhiên rất được người Azerbaijan xưa coi trọng. Ngày nay, khách du lịch tới Azerbaijan thường quan tâm đến hiện tượng kỳ lạ chứ không để ý đến nguồn gốc tôn giáo, tâm linh của ngọn lửa bất tử.
Các nhà nghiên cứu viết rằng những tín đồ Hỏa giáo thờ phụng “các cột trụ lửa” vĩnh cửu, và một suối dầu thô nổi bong bóng từ mặt đất đã được đề cập đến trong truyền thuyết La Mã cổ đại từ năm 38 TCN. Khu vực này đã trở thành một điểm gặp mặt cho những tín đồ Cơ đốc giáo La Mã đầu tiên, và hiện nay có một vương cung thánh đường được xây dựng trên đó.
Khu phức hợp đền Ateshgah đã trở thành bảo tàng vào năm 1975. Năm 1998, địa điểm này vào danh sách đề cử Di sản thế giới của UNESCO. Ngày nay, Azerbaijan và các điểm du lịch ngắm lửa nổi tiếng đón khoảng 15.000 lượt du khách mỗi năm.