“Chính phủ Gillard cam kết tăng cường quan hệ giữa những người Australia bản xứ và những người Australia không bản xứ, đồng thời tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này”, nữ Thủ tướng tuyên bố.
Hiện Australia đang có cơ hội “50 năm một lần” vì được cả Nghị viện và dân chúng ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp để công nhận thổ dân. “Chúng tôi nắm quyền lực và biết rằng những thay đổi là cần thiết”, bà Gillard nói thêm. Theo bà, việc công nhận thổ dân Australia và người dân ở Eo biển Torres trong Hiến pháp Australia là giai đoạn mới của quá trình này.
Đó là cuộc trưng cầu đầu tiên được tổ chức tại Australia kể từ năm 1999, khi người dân Australia bác bỏ đề xuất đưa nước này trở thành nước Cộng hòa. Trong tổng số 44 cuộc trưng cầu dân ý từ năm 1901, chỉ có 8 cuộc nhận được sự ủng hộ của người dân.
Bà Julia Gillard cho biết, cần phải xây dựng một sự đồng thuận trước khi tổ chức bỏ phiếu – sự kiện sẽ không diễn ra trước ít nhất một tháng. Một nhóm chuyên gia sẽ giám sát công việc này và đưa ra một bản báo cáo từ nay tới cuối năm 2011. Nhóm chuyên gia gồm cả thổ dân, các lãnh đạo cộng đồng, các chuyên gia Hiến pháp và các nghị sĩ. Các chuyên gia sẽ giúp định hướng cuộc tranh luận trên toàn quốc nhằm tăng khả năng thành công của cuộc trưng cầu sắp tới và sẽ báo cáo chính phủ vào cuối năm 2011 về cách thức tốt nhất để tiến tới tổ chức trưng cầu.
Hồi tháng 2/2008, trong bài phát biểu lịch sử trước Nghị viện, Thủ tướng Công đảng Kevin Rudd đã công khai xin lỗi các thổ dân, những người dân đầu tiên của nước này vì những thiệt thòi mà họ phải chịu đựng trong 2 thế kỷ qua.
Trong số 22 triệu người Australia, có 470.000 người thổ dân, chiếm khoảng 2,7%. Tỷ lệ tù nhân, thất nghiệp và bệnh nghiêm trọng ở những người thổ dân cao hơn so với ở những người Australia khác. Tuổi thọ trung bình của một người đàn ông thổ dân thấp hơn tuổi thọ của một người đàn ông không phải thổ dân 11,5 tuổi, trong khi đối với phụ nữ là 9,7 tuổi.
Theo luật pháp Australia, một cuộc trưng cầu thành công phải được đa số phiếu ủng hộ trên toàn quốc, cũng như đa số phiếu tại đa số bang. Ngoài ra, các cuộc trưng cầu thành công nói chung cần được sự ủng hộ của hai đảng trong Quốc hội.
Theo ước tính của ông Mick Gooda, Cao ủy về công lý xã hội cho người thổ dân và dân đảo Torres, cuộc trưng cầu sắp tới cần có phiếu thuận của khoảng 12-13 triệu người thì sửa đổi Hiến pháp mới được thông qua.
Q.M (theo AFP, BBC)