Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN), Trưởng ban Tổ chức ASOSAI 14, TS Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, môi trường đã và đang là một trong những vấn đề cấp bách của toàn cầu và mối quan tâm hàng đầu đối với từng quốc gia.
Đặc biệt, trong thời gian tới, những thách thức về môi trường ngày càng nghiêm trọng, đe dọa sự phát triển của các quốc gia, đồng nghĩa với việc nhiệm vụ của các cơ quan kiểm toán tối cao thực hiện kiểm toán môi trường (KTMT) vì sự phát triển bền vững ngày càng quan trọng và nặng nề hơn. Tuy nhiên, thực tế KTMT là vấn đề không đơn giản.
Kiểm toán môi trường: Còn nhiều lúng túng!
Mặc dù KTMT được Malaysia triển khai từ những năm 2005 nhưng theo Phó Tổng KTNN Malaysia Khalid Khan Bin Abdullah Khan, vấn đề khó của nước này là thiếu thông tin hoặc thông tin về môi trường không đầy đủ ở các cấp địa phương, khu vực. Đặc biệt, các vấn đề môi trường tồn tại lâu và rất khó giải quyết. Ông thừa nhận, việc phân tích những chi phí, lợi ích của các cam kết môi trường là vấn đề quan trọng cần làm nhưng khó thực hiện.
Ngoài ra, việc nghiên cứu thực địa đòi hỏi năng lực và kiến thức kiểm toán chuyên sâu, trong khi kiểm toán chỉ xem xét vấn đề quá khứ thì KTMT đòi hỏi việc đánh giá tác động tiềm năng trong tương lai của các chính sách và chương trình. Đại diện KTNN Malaysia cũng thẳng thắn chia sẻ rằng việc xác định các tiêu chí kiểm toán ở cấp quốc gia là khó khăn và cũng khó để thuyết phục Chính phủ áp dụng các tiêu chí quốc tế.
Với Việt Nam, ông Nguyễn Quang Thành - Phó Tổng KTNN cho biết, khó khăn của Việt Nam là nhận thức và ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân cũng như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với cộng đồng chưa cao. Cùng với đó, hệ thống pháp luật, quy chuẩn về bảo vệ môi trường còn bất cập, thiếu tính khả thi, gây nhiều khó khăn cho các tổ chức và cá nhân trong quá trình tuân thủ, thực thi pháp luật.
Trong khi đó, KTMT lại là lĩnh vực mới, cơ quan chức năng thiếu nguồn nhân lực có kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn sâu về môi trường. Đặc biệt, ông nhấn mạnh điểm khó là chưa có các công cụ hướng dẫn kiểm toán cụ thể về KTMT để giúp kiểm toán viên có định hướng, phương pháp tiếp cận và vận dụng khi triển khai kiểm toán.
Đại diện Việt Nam cũng cho biết, hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin, tài liệu hướng dẫn về KTMT của KTNN đang trong quá trình xây dựng dựa trên hướng dẫn của Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI), ASOSAI về KTMT, tuy nhiên có nhiều nội dung không phù hợp với thông lệ và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, gây khó khăn trong việc tiếp cận, triển khai và thực hiện các cuộc kiểm toán…
Cần sự phối hợp của các bên liên quan
Chia sẻ khó khăn của của các thành viên, ông Harib Al Amimi - Chủ tịch INTOSAI, Tổng KTNN Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), nhấn mạnh đến thách thức về mặt công nghệ. Ông cho rằng đây là điều quan trọng trong quá trình kiểm toán và cần sự giúp đỡ giữa các thành viên trong ASOSAI. Ông cũng nhấn mạnh vai trò của các tổ chức như ASOSAI, INTOSAI và đề xuất cần có tiêu chuẩn quốc tế, khu vực trong KTMT để việc kiểm toán có hiệu quả.
Bà Archana P. Shirsat - Phó Tổng Giám đốc tại Sáng kiến Phát triển INTOSAI (IDI) nhấn mạnh, nỗ lực của các bên riêng lẻ là không đủ, mà cần tập hợp các cơ quan nhà nước, kể cả những cơ quan không thuộc khu vực nhà nước, đảm bảo sự tham gia của người dân trong KTMT để “không ai bị bỏ lại phía sau”, có như vậy kết quả kiểm toán mới đa dạng, đồng đều…
“Nêu lựa chọn chủ đề, từng lĩnh vực để với sự tham gia của cả thể nhân và pháp nhân, từ đó có cái nhìn tổng thể. Chúng tôi sẽ hỗ trợ các thành viên xây dựng các mô hình kiểm toán, sẽ hỗ trợ các SAI thực hiện kiểm toán các lĩnh vực mà họ quan tâm …”- đại diện IDI cam kết…
Với tư cách là nước chủ nhà, TS Hồ Đức Phớc - Tổng KTNN Việt Nam cho rằng, sau Hội nghị này các SAI cần thiết lập mạng lưới và phương pháp luận liên quan đối với phát triển bền vững, từ đó đưa ra các giải pháp, phương pháp kiểm toán sát thực nhất để từ đó tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi SAI mà có cách tiến hành kiểm toán phù hợp nhất.