Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 19 (APEC-19) đã kết thúc hôm 13/11 sau 2 ngày làm việc tại Honolulu, bang Hawai (Mỹ) và ra tuyên bố chung, trong đó 21 nền kinh tế thành viên cùng cam kết đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi mong manh.
Lãnh đạo 21 nền kinh tế APEC chụp ảnh kỷ niệm chung. Ảnh: AFP |
Tầm nhìn Thái Bình Dương
Tại APEC-19, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố đề án thành lập một khu vực tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tổng thống Obama khẳng định Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể là một mô hình cho các hiệp định thương mại khác và bày tỏ hy vọng thỏa thuận TPP có thể được hoàn tất vào đầu năm tới.
Ông Obama nhấn mạnh châu Á-Thái Bình Dương là một động cơ cho tăng trưởng kinh tế Mỹ và mở rộng cơ hội cho nền kinh tế đầu tàu thế giới này. Trong khi đó, khai thác tiềm năng thương mại lớn của khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng là lợi ích sống còn cho mỗi nước. Tuy nhiên, Tổng thống Obama cũng nêu lên những khó khăn còn tồn tại xung quanh TPP, như giữa các nước tham gia vẫn còn nhiều bất đồng, doanh nghiệp nhiều nước đang phản đối do lo ngại không thể cạnh tranh...
TPP được 4 thành viên sáng lập là Brunei, Chile, New Zealand và Singapore ký năm 2005, sau đó đã thu hút các nước trong khu vực tham gia với mục tiêu tạo ra một khu vực thương mại tự do, trong đó về nguyên tắc, mọi hàng rào thuế quan sẽ bị loại bỏ và tự do hóa việc trao đổi dịch vụ và đầu tư.
9 nước thành viên của TPP gồm Australia, Brunei, Chile, New Zealand, Malaysia, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam đang tiếp tục kêu gọi sự tham gia của các đối tác với mục tiêu hoàn thành khung chi tiết của TPP vào năm 2012. Tại Hội nghị cấp cao APEC lần này, Nhật Bản, Canada và Mexico đã tuyên bố tham gia quá trình đàm phán về việc thiết lập TPP.
Khu vực tự do thương mại này, nơi tập trung gần 800 triệu người tiêu dùng và gần 40% kinh tế toàn cầu, nếu hình thành sẽ là liên minh thương mại lớn nhất thế giới, khác xa so với Liên minh châu Âu.
Bên lề APEC-19, Chủ tịch nước ta Trương Tấn Sang và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã có cuộc gặp song phương thảo luận về tranh chấp trên Biển Đông. Lãnh đạo hai nước nhất trí giải quyết thỏa đáng vấn đề Biển Đông thông qua đàm phán hòa bình. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ trong quá trình giải quyết vấn đề biển Đông, hai bên cần tuân thủ những nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố chung của Trung Quốc và ASEAN về quy tắc ứng xử trên Biển Đông (DOC). |
Hướng tới nền kinh tế thống nhất
Trong “Tuyên bố Honolulu - Hướng tới một nền kinh tế khu vực thống nhất” kết thúc APEC-19, các nhà lãnh đạo APEC cam kết triển khai những bước đi cụ thể nhằm xây dựng một nền kinh tế khu vực thống nhất, thông qua các nỗ lực chung để gắn kết các nền kinh tế và thị trường vì mục tiêu tất cả cùng có lợi.
Các nhà lãnh đạo APEC nhất trí thúc đẩy các nỗ lực vì “tăng trưởng xanh” an ninh năng lượng, hợp tác trong lĩnh vực pháp quy và nhiều vấn đề khác.
Các nhà lãnh đạo nhất trí sẽ cắt giảm thuế quan đối với các chủng loại hàng hóa thân thiện với môi trường xuống dưới mức 5% trước năm 2015, đồng thời coi việc thúc đẩy tự do hóa thương mại là yếu tố quan trọng đối với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu.
Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo APEC cũng lưu ý rằng tăng trưởng và vấn đề tạo việc làm đang suy giảm tại nhiều nền kinh tế và những thách thức tài chính hiện nay ở châu Âu đang gây ra bất ổn lớn. Lãnh đạo APEC cam kết giảm các hàng rào thuế quan trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang bị đe dọa bởi cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu.
Tuyên bố chung cho rằng “giờ là thời điểm bất ổn” của kinh tế toàn cầu, với việc tăng trưởng và tạo việc làm không chỉ sụt giảm vì cuộc khủng hoảng tài chính của châu Âu, mà còn bởi thiên tai, như thảm họa động đất sóng thần hồi tháng 3 tại Nhật Bản.
Các nhà lãnh đạo APEC cũng cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ và đẩy mạnh chuyển đổi sang nền kinh tế sử dụng ít năng lượng cácbon, coi đây là “hướng đi đảm bảo an ninh năng lượng và tạo ra các nguồn lực mới của tăng trưởng kinh tế và việc làm”.
Dự kiến Hội nghị cấp cao APEC năm 2012 sẽ diễn ra tại Nga.
P.L (tổng hợp)