[links()]Lần đầu tiên trong hệ thống ngân hàng thương mại, Ngân hàng Quốc tế (VIB) vừa thực hiện việc công khai lãi suất cho vay và niêm yết mức trần cụ thể với từng nhóm đối tượng. Tại sao Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa quyết định áp trần lãi suất cho vay?
Mức trần lãi suất cho vay thấp nhất áp dụng tại VIB là 12,99%năm. Ảnh: MH |
Tạo tiền lệ
Theo biểu áp dụng trên toàn hệ thống VIB, các mức trần lãi suất cho vay VND đã được ấn định và sẽ được cập nhật khi có điều chỉnh. Mức trần thấp nhất là 12,99%/năm đối với cho vay cầm cố giấy tờ có giá, mức trần cao nhất là 16,29%/năm với cho vay đầu tư chứng khoán…
Chính sách này áp dụng cho các khách hàng cá nhân, và mức trần công bố là chi phí tối đa, nên thực tế khách hàng có thể tiếp cận các mức lãi suất thấp hơn nữa, như hiện tại VIB đang áp chỉ 9,9%/năm trong 3 tháng đầu của khoản vay mới đối với khách vay mua nhà hay cá nhân kinh doanh.
Như vậy, khách hàng có thể chủ động chi phí, xây dựng phương án vay và sử dụng vốn. Không chỉ riêng khách hàng của VIB, mà khách hàng có nhu cầu vay vốn tại các ngân hàng khác cũng có cơ hội tham khảo những mức trần trên để quyết định lựa chọn.
Tự áp trần lãi suất cho vay, VIB đã tạo ra một tiền lệ trong hệ thống. Theo nhận định của một chuyên gia, VIB đã khơi mào cho một cuộc áp trần lãi suất cho vay mà có thể Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ làm. “Tuy nhiên, trần lãi suất 12.99% là vẫn còn cao đối với sức chịu đựng hiện nay của người đi vay” – ông này nói – “Đối với trần lãi suất 9.9% trong 3 tháng đầu tiên thì khách hàng có thể rơi vào “bẫy” lãi suất cao từ tháng thứ 4 trở đi”.
Đã đến lúc hay chưa?
Thông tin từ phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11/2012 cho thấy, Chính phủ đang xem xét việc áp dụng trần lãi suất cho vay và giảm lãi suất cho vay để giúp DN tiếp cận được nguồn vốn tín dụng dễ dàng hơn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Còn nhớ, khi lãi suất lên đến 20%, việc áp trần lãi suất đã được đề cập đến một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, cùng với việc áp dụng trần lãi suất huy động, thời gian qua, lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh giảm. Nhất là sau nhiều chương trình cho vay có địa chỉ, vận động hạ lãi suất cho các khoản vay cũ…, mặt bằng lãi suất cho vay về cơ bản đã được hình thành. Lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng với DN hiện nay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ dao động quanh mức 10% - 13%/năm, đối với lĩnh vực kinh doanh khác ở mức 12% - 15%/năm.
Trước tình trạng một số ngân hàng áp những khoản phí khác có tổng chi phí tới 1,5% - 3%, khiến cho việc hạ lãi suất cho vay trở nên vô nghĩa, các chuyên gia cho rằng, khi áp trần lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước cũng phải quy định luôn về khoản phí ngoài lãi suất như phí thu xếp vốn, phí thẩm định, phí bảo hiểm... để đảm bảo khoản vay được kiểm soát trong khu vực trần một cách đúng nghĩa.
Chia sẻ với báo chí, ông Cao Sỹ Kiêm, chuyên gia kinh tế, cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay và áp trần buộc ngân hàng phải giảm chi phí và giảm lãi suất giúp DN tiếp cận vốn dễ hơn, sẽ đóng góp cho kinh tế tốt hơn. Vấn đề lách trần lãi suất bằng các khoản phí thì chúng ta đã biết và có thể kiểm soát được, bằng việc Ngân hàng Nhà nước cần ban hành hướng dẫn cụ thể trong đó quy định rõ cái gì được làm, cái gì không thì sẽ kiểm soát tốt hiện tượng này.
Nguyễn Hồng