[links()] Mới đây NHNN áp trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ tối đa 15%/năm cho 4 lĩnh vực ưu tiên. Đây được xem là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kích hoạt việc vay vốn sản xuất, kinh doanh.
Hành chính hỗ trợ thị trường
Từ trước đến nay trong điều hành chính sách tiền tệ, Chính phủ và NHNN luôn yêu cầu các NHTM ưu tiên tín dụng cho 4 lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Theo đó lãi suất cho vay ở các lĩnh vực trên rẻ hơn các lĩnh vực khác.
Áp trần lãi suất cho vay 15%/năm ở 4 lĩnh vực này dù là giải pháp hành chính, nhưng phù hợp trong điều kiện thị trường hiện nay. Đồng thời giải pháp này không có nghĩa là NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ và ảnh hưởng đến hạn mức tín dụng dự kiến năm nay 15-17%/năm. Bởi lẽ dòng vốn tín dụng giá rẻ vẫn chọn lọc ưu tiên vào 4 lĩnh vực sản xuất cần khuyến khích, còn các lĩnh vực không khuyến khích tất yếu vẫn chịu lãi suất cho vay cao hơn. Ông NGUYỄN DUY LỘ, |
Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn phải vay lãi suất cao 17-18%/năm vì nhiều lý do khác nhau. Đặc biệt có nhiều DNNVV đang chịu lãi suất vay vốn 20-22%/năm.
Vì thế việc NHNN áp trần cho vay là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuộc 4 lĩnh vực ưu tiên trên có cơ hội tiếp cận được vốn ở mức lãi suất chấp nhận được, kích thích các doanh nghiệp này vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh.
Theo một chuyên gia NH, trong bối cảnh NHNN chưa thể bỏ trần lãi suất huy động, việc áp trần lãi suất cho vay là hợp lý để tránh tình trạng kéo giảm lãi suất huy động không có ý nghĩa và lợi ích chỉ thuộc về các NHTM, trong khi các doanh nghiệp vẫn phải cắn răng vay lãi suất cao.
Ông Đỗ Minh Toàn, Phó Tổng giám đốc ACB, cho rằng nếu NHNN không áp trần lãi suất cho vay 15%/năm ở 4 lĩnh vực ưu tiên, các NHTM lớn đang thừa vốn cũng đồng thuận lộ trình kéo giảm lãi suất cho vay ở các lĩnh vực này 15-15,5%/năm trong quý II-2012.
Bởi đây là 4 lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong việc kéo đà tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu trì trệ, cần được kích hoạt bằng chính sách lãi suất để khuyến khích tăng trưởng.
Một lãnh đạo NH Phương Đông (OCB)nhận định với chi phí lãi suất vay 15%/năm, các doanh nghiệp có cơ cấu tài chính từ tín dụng NH chiếm tỷ trọng 50% có thể mạnh dạn vay vốn để sản xuất kinh doanh khi thấy được đầu ra của thị trường.
Nhiều chuyên gia NH cho rằng thời gian qua lãi suất cho vay của các NHTM đã bị “rối loạn” với nhiều mức lãi suất khác nhau, trong đó lãi suất cao là phổ biến. Vì vậy, việc áp trần lãi suất cho vay là phù hợp để các NHTM đánh giá lại dư nợ tín dụng cũ, từ đó đưa ra mức lãi suất hỗ trợ phù hợp cho từng đối tượng khách hàng.
Cụ thể hóa danh mục cho vay
Ảnh minh họa. |
Có thể thấy trong việc áp trần lãi suất cho vay, người được hưởng lợi đầu tiên là doanh nghiệp thuộc 4 lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, xuất khẩu và DNNVV.
Vì vậy, không phải NHTM nào cũng đều đồng thuận với quyết định này, nhất là với những NHTM nhỏ, chịu áp lực từ doanh thu và cổ tức cổ đông. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thời gian gần đây các NHTM cho vay ra không dễ, dẫn đến tình trạng nhiều NHTM thừa vốn và lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên NH chỉ còn 3%/năm.
Do vậy, các NHTM chịu sức ép giảm lãi suất cho vay để cạnh tranh trong lĩnh vực tín dụng rất lớn. Việc áp trần lãi suất cho vay 15%/năm thời điểm này càng khiến việc giảm lãi suất cho vay của các NHTM diễn ra nhanh hơn. Và điều này cũng có lợi cho các NHTM khi tốc độ tín dụng được tăng trưởng trở lại sau những tháng đầu năm tăng trưởng âm. Tuy nhiên, đối với những NH trước đây huy động vốn lãi suất cao sẽ gặp khó khăn khi áp dụng trần cho vay.
Tuy nhiên ông Nghĩa cho rằng thách thức này chỉ là ngắn hạn, bởi khi NHTM cho vay những doanh nghiệp trong 4 lĩnh vực trên, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu, các NHTM có thể tăng thu dịch vụ để bù đắp lợi nhuận khi giảm lãi suất. Và thực tế trước đó đã có NHTM cho vay doanh nghiệp xuất khẩu lãi suất bình quân 15,5-16%/năm.
Nhiều chuyên gia cho rằng trên thị trường hiện nay nhóm NHTM quốc doanh và các NHTM cổ phần lớn sẽ là những NHTM đi đầu trong việc đẩy mạnh cho vay khi trần lãi suất cho vay được áp dụng. Bởi khách hàng doanh nghiệp trong 4 lĩnh vực này đã vay lãi suất cao sẽ tìm cách trả nợ trước hạn để được vay vốn lãi suất thấp.
Theo một lãnh đạo BIDV, NH sẽ thực hiện ngay trần lãi suất này và thực tế có những lĩnh vực ưu tiên hiện nay BIDV cho vay lãi suất chỉ 13,5-14%/năm. Nhưng vấn đề đang được dư luận quan tâm là liệu có sự “xé rào” trần lãi suất cho vay như từng xảy ra thông qua nhiều chiêu thu phí khác nhau của các NHTM. Bên cạnh đó, không loại trừ tình trạng “đi đêm” giữa các NHTM với các doanh nghiệp khi trần lãi suất cho vay được áp.
Có ý kiến cho rằng để lãi suất cho vay 15%/năm đến đúng địa chỉ cần thiết, NHNN nên yêu cầu các NHTM cụ thể hóa các danh mục và điều kiện cho vay thuộc 4 lĩnh vực được ưu tiên. Bởi thực tế nhiều doanh nghiệp phản ánh dù nằm trong đối tượng được ưu đãi lãi suất nhưng vẫn phải vay vốn lãi suất cao.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng NHNN cần tạo một kênh phản hồi khiếu nại cho doanh nghiệp khi vay vốn. Điều này là cần thiết nhằm tránh tình trạng các NHTM “neo” lãi suất cao nhằm kiếm lợi nhuận cao trong điều kiện hạn mức tín dụng bị NHNN khống chế.
Theo ĐTTC