“Chạy đua” với các kỳ thi
Mùa tuyển sinh đại học 2023 “mở màn” với hàng loạt kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) đến từ các trường đại học như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội… Mỗi trường sẽ có thời gian thi khác nhau, bắt đầu từ tháng 3 và kéo dài đến cuối tháng 7.
Vào đầu tháng 2, vài tiếng sau khi Đại học Quốc gia Hà Nội vừa mở cổng đăng ký thi, đã có hơn 41 nghìn lượt đăng ký thành công. Vũ Thu Hà (THPT Yên Hòa, Hà Nội) cho biết: “Em phải thức cả đêm, thậm chí nhờ gia đình hỗ trợ vì mạng bị tắc nghẽn không thể đăng ký”. Được biết, Trường Đại học Quốc gia sẽ có 8 đợt thi, được đánh số từ 301 đến 308 (diễn ra liên tiếp từ 10/3/2023 - 4/6/2023). Mỗi thí sinh được tham dự hai đợt thi, trong đó các đợt thi phải cách nhau 28 ngày. Thu Hà cũng chia sẻ, sau khi thi ĐGNL của Đại học Quốc gia, em sẽ tiếp tục đến với kỳ thi thử do thành phố Hà Nội sắp tổ chức.
Không chỉ đi thi, việc học cũng là “một cơn ác mộng” đối với các thí sinh. Phạm Minh Huyền (19 tuổi) là thí sinh tự do, chia sẻ: “Hiện nay, trung tâm luyện thi của em đang học đã tổng ôn kiến thức lần thứ nhất”. Huyền cho biết, lớp của em có cả học sinh lớp 12 và những thí sinh thi lại đại học. Để chuẩn bị cho kỳ thi ĐGNL của Đại học Quốc gia Hà Nội bắt đầu từ cuối tháng 3, kỳ thi ĐGNL của Đại học Sư phạm Hà Nội vào tháng 5 và kỳ thi THPT Quốc gia 2023, thì từ đầu tháng 2, trung tâm luyện thi đã hoàn thành toàn bộ chương trình lớp 12.
Những kỳ thi riêng do các trường đại học tự tổ chức được đánh giá là có độ khó hơn, thí sinh sẽ phải vận dụng linh hoạt kiến thức của cả ba năm học. Vì vậy, để đáp ứng với bộ đề của từng trường, rất nhiều lớp học được mở ra.
Nguyễn Phương Linh (lớp 12, THPT Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Hiện tại em đang học mười hai buổi học thêm dành cho 6 môn thi”. Phương Linh dự kiến sử dụng khối D (Toán - Văn - Anh) để xét tuyển đại học, nhưng em bắt buộc phải học thêm cả Lịch sử, Địa lý, Vật lí và Hóa học để tham dự kỳ thi ĐGNL của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Em cho biết, trung bình mỗi môn phải học từ 1-2 buổi mỗi tuần, những môn nào không đến học trực tiếp được em sẽ đăng ký học online hoặc tự ôn tập.
Không chỉ ôn luyện để tham gia các kỳ thi ĐGNL, nhiều học sinh phải bỏ công sức vào việc luyện thi IELTS. Nguyễn Thanh Tú (lớp 12, THPT Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Học IELTS khác hoàn toàn với kiến thức tiếng Anh mà em được dạy ở trên lớp và luyện để thi THPT quốc gia. Nhiều lúc em không hiểu được những kiến thức mình đang học”. Hiện tại, em đang theo hai lớp tiếng Anh một lúc để thi IELTS và thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2023.
Thực tế, hiện nay, các trường như: Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách khoa Hà Nội… chỉ tuyển 25 - 35% tổng số chỉ tiêu bằng điểm thi THPT quốc gia, còn khoảng 65 - 75% bằng các hình thức khác. Vì thế, số điểm đầu vào của trường thường cao một cách “đột biến”. Nhiều thí sinh lựa chọn thi IELTS hay tham dự kỳ thi ĐGNL để nâng cao khả năng trúng tuyển vào đại học.
Đầu tư hàng chục triệu ôn thi
Chị Nguyễn Kim Anh (48 tuổi, sinh sống tại Hà Nội) cho biết, chưa xét đến tiền học thêm, chỉ riêng khoản chi phí cho việc thi cử đã mất khoảng 12 triệu đồng. Con chị tham gia hai kỳ thi IELTS với chi phí là 5,5 triệu đồng/lần. Chị sẽ đăng ký cho cháu tham dự thi ĐGNL của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Sư phạm Hà Nội. Lệ phí mỗi lần thi dao động từ 500 nghìn đến 600 nghìn đồng cho một trường đại học, chưa tính đến các khoản tiền cho những lần thi thử tại các trung tâm.
Theo Tổng cục Thống kê báo cáo về tình hình lao động, việc làm vào quý 4 năm 2022 cho biết, thu nhập bình quân tháng của người lao động năm 2022 là 6,7 triệu đồng, tăng 927.000 đồng so với năm trước. Trong khi số tiền hiện nay, một số gia đình bỏ ra để đáp ứng lệ phí tuyển sinh vào đại học cho con cái đã rơi vào khoảng 12 triệu đồng, gần gấp đôi so với thu nhập bình quân của một người.
Tuy việc thi và học thêm mất nhiều thời gian, tiền bạc, nhưng chưa chắc đã đem lại hiệu quả, thậm chí còn khiến các em hoang mang, phân vân trước quá nhiều lựa chọn. Phạm Tú Linh (lớp 12 THPT Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây, em có học thêm nhiều, để tham dự một số kỳ thi. Nhưng, lớp học thêm quá đông, em thường không chú tâm học được, hết kì I, điểm số vẫn chỉ dừng lại ở 6 – 7 điểm”. Chính vì vậy, Linh đã nghỉ học thêm để tự tập trung ôn luyện kiến thức cơ bản và chọn học online những môn trong khối thi chính.
Việc có quá nhiều kỳ thi cũng gây khó khăn cho các thí sinh ngoại tỉnh khi các em buộc phải đến thành phố để tham dự. Nguyễn Thành Trung (19 tuổi, sống tại Hà Nam) cho biết, đây là năm thứ hai em đi thi đại học. Em dự định tham dự kỳ thi ĐGNL của Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Quốc gia Hà Nội. Hết Tết, Thành Trung đã lên Hà Nội thuê nhà ở trong khoảng 5 tháng vừa học tập và thi cử. Em cho biết, không tính lệ phí thi, riêng tiền ăn ở, học tập của em tại Hà Nội cũng đã mất khoảng 6 -7 triệu đồng/tháng.
Như vậy, so với việc xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia thì các kỳ thi riêng chưa chắc đã tiết kiệm chi phí, thời gian cho các thí sinh và phụ huynh. Có thể nói, việc giảm tải gánh nặng từ các kỳ thi đại học còn quá xa vời, khi mỗi năm, lại có thêm vài trường đề ra các phương án tuyển sinh riêng.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhấn mạnh, thí sinh cần lưu ý rằng các kỳ thi có định hướng vào những lĩnh vực khác nhau.
Ví dụ các trường đại học sư phạm Hà Nội sẽ sử dụng các bài thi để ĐGNL đầu vào của các thầy, cô giáo trong tương lai. Các trường như Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ thiên về tư duy công nghệ, kỹ thuật. Còn các trường trực thuộc Đại học Quốc gia sẽ sử dụng các bài ĐGNL với kiến thức rộng để kiểm tra tư duy, kiến thức của học sinh phục vụ cho các ngành đào tạo trong trường.
Chính vì vậy, các thí sinh cần lựa chọn thế mạnh, khả năng của mình, để tập trung ôn luyện, thay việc dàn trải, tham gia quá nhiều kỳ thi. Việc này không chỉ làm tốn tiền bạc, thời gian mà còn gây hoang mang cho chính các em, khi mỗi trường sẽ có cấu trúc đề thi, thời gian tổ chức thi khác nhau.