Có hiệu lực từ 1/7/2010, Nghị định 17 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản đã tạo những chuyển biến tích cực trong công tác này. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tư pháp, nhiều địa phương đang phải chịu những áp lực …
Chỉ có 6/102 doanh nghiệp bán đấu giá chuyên nghiệp
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, đến nay cả nước đã có 63/63 địa phương thành lập Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản (BĐGTS) cấp tỉnh. Việc kiện toàn tổ chức, đầu tư cơ sở vật chất của các Trung tâm được nhiều địa phương quan tâm, chú trọng. Hiện có 30/63 Trung tâm có trụ sở làm việc độc lập, có trang thiết bị văn phòng tương đối đầy đủ, hệ thống kho tang tài vật mới được xây dựng.
Một phiên bán đấu giá tài sản ở Hải Dương
Theo báo cáo chưa đầy đủ của 51 địa phương, tính từ 1/7/2010 đến 31/10/2010 thì 58 tổ chức BĐG chuyên nghiệp đã ký kết 2476 hợp đồng, thực hiện 1.069 cuộc BĐG với tổng giá trị tài sản bán được là gần 1.888 tỷ đồng. Số phí tham gia đấu giá và phí BĐG thu được là hơn 9,66 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ Tư pháp, hiện nay trong cả nước có tổng số 102 doanh nghiệp BĐGTS, tập trung chủ yếu ở một số thành phố lớn: Hà Nội (35 doanh nghiệp), TP HCM (25 doanh nghiệp), Đà Nẵng (23DN). Một số địa phương có 2 doanh nghiệp còn lại chủ yếu 1 doanh nghiệp.
Đáng chú ý trong số hơn 100 doanh nghiệp BĐGTS nêu trên, chỉ có 6 doanh nghiệp BĐGTS chuyên nghiệp, số còn lại là các doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, tính chuyên nghiệp chưa cao.
Có thể nói, Nghị định 17/CP ra đời, đáp ứng sự mong mỏi của nhiều địa phương về công tác BĐGTS, tạo ra sự đột phá về thể chế, nâng cao tính chuyên nghiệp, cải tiến về trình tự, thủ tục trong lĩnh vực BĐGTS.
Hội đồng BĐG quyền sử dụng đất: đang cố ý kéo dài
Trước đây khi thực hiện Nghị định 05 về BĐGTS, có một hiện tượng khá phổ biến ở địa phương là tồn tại nhiều loại hội đồng BĐGTS ngoài quy định. Các hội đồng hoạt động thiếu chuyên nghiệp gây thất thoát tài sản của nhà nước, mất lòng tin của xã hội. Với kỳ vọng sẽ “dẹp” bỏ các loại hội đồng này khi Nghị định 17 ra đời, tuy nhiên, sau nửa năm tình hình này vẫn chưa khắc phục triệt để.
Theo quy định mới, chỉ có hai loại Hội đồng BĐGTS được phép thành lập (là Hội đồng BĐGTS cấp huyện được thành lập để BĐGTS là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định của pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Hội đồng BĐGTS trong trường hợp đặc biệt). Như vậy theo quy định này, Hội đồng BĐG quyền sử dụng đất được thành lập theo Quyết định số 216 sẽ phải chấm dứt hoạt động.
Thế nhưng, theo Bộ Tư pháp, vẫn còn tình trạng dùng dằng chưa muốn kết thúc, thậm chí còn cố ý kéo dài hoạt động,với lý do là tổ chức BĐG chưa đủ năng lực, điều kiện để đảm nhận việc BĐG quyền sử dụng đất. Thậm chí nhiều Hội đồng còn gây áp lực và phản ứng với các quy định của Nghị định 17.
Về tình trạng này Bộ Tư pháp cũng thừa nhận: nhiều địa phương chưa quyết liệt, còn nể nang, ngại va chạm trong chỉ đạo, tổ chức chuyển giao việc BĐG quyền sử dụng đất. Trong khi một số Trung tâm cũng chưa đủ năng lực để nhận chuyển giao.
Bên cạnh đó, trước thời điểm Nghị định 17 có hiệu lực, nhiều tỉnh, thành phố đã thành lập các tổ chức như Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc Sở tài nguyên và môi trường (42/63 địa phương có Trung tâm này); Trung tâm thẩm định giá và dịch vụ bất động sản thuộc Sở Tài chính; Trung tâm giao dịch bất động sản để BĐG quyền sử dụng đất để thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong đó ccó BĐGTS. Khi Nghị định 17 ra đời, nhiều địa phương, các Trung tâm này vẫn tồn tại, gây khó khăn cho địa phương.
Đặc biệt, Bộ Tư pháp cũng cho rằng, vai trò tham mưu, tổ chức thực hiện của Sở Tư pháp một số địa phương vẫn chưa ngang tầm nhiệm vụ. Một số nơi chỉ tập trung quản lý Trung tâm BĐGTS mà chưa thực hiện quản lý nhà nước đối với các tổ chức đấu giá (doanh nghiệp, hội đồng…). Nguyên nhân của tình trạng này một phần do cán bộ tư pháp còn thiếu và ít có điều kiện được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ
Trong nhiều giải pháp “sốc” lại hoạt động BĐGTS, Bộ Tư pháp chú trọng tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành ở TW và địa phương đối với tổ chức và hoạt động BĐGTS.
An Bình