Khi nào mới có người yêu?
Mỗi năm, đến ngày mùng 8/3, Nguyễn Thanh Tùng (29 tuổi, Hà Nội) lại “đau đầu” vì tình trạng độc thân của anh: “Năm nào, tôi và bố cũng chuẩn bị một bữa ăn nho nhỏ, vài món quà tặng mẹ ngày 8/3, điều đấy khiến tôi rất vui và hạnh phúc. Tuy nhiên, thay vì nhận về lời cảm ơn, bố mẹ lại mong tôi sớm có bạn gái để đi chơi ngày 8/3”. Càng nhiều tuổi, bố mẹ Tùng lại thường xuyên nhắc đi, nhắc lại vấn đề này vào những ngày lễ Tết. Từ nhắc nhở, giờ đây khi gần bước sang tuổi 30, bố mẹ Tùng đã thay bằng lời cằn nhằn, so sánh anh với họ hàng, bạn bè đã yên bề gia thất.
Không chỉ đối với nam giới, ngay cả nữ giới cũng gặp “gánh nặng” phải tìm được một nửa trong ngày 8/3. Trần Nguyễn Thu Vân (25 tuổi, Hà Nội) tâm sự: “Đến 8/3 ở cơ quan tôi, nữ nhân viên sẽ được tặng một bó hồng nhỏ. Mỗi lần về đến nhà, bố mẹ tôi lại vồn vã hỏi về người bạn trai “bí ẩn” khiến tôi dở khóc, dở cười giải thích”. Nhìn thấy khuôn mặt thất vọng của bố mẹ khi biết tin cô con gái vẫn còn độc thân, làm Thu Vân rất xấu hổ. Bản thân Vân cũng muốn có một người bạn trai để yêu thương, trò chuyện, nhưng do công việc bận rộn từ sáng đến tối muộn, nhiều ngày phải tăng ca, công tác, nên cô không có thời gian hẹn hò: “Nhìn bạn bè, người thân có đôi, có cặp, tôi cũng khao khát lắm. Nhưng tuổi trẻ mà, phải cố gắng vì sự nghiệp”. Đến ngày 8/3, Valentine (ngày lễ tình yêu), Giáng sinh, Vân không tránh khỏi cảm giác tủi thân, áp lực trước bạn bè đồng trang lứa.
Ngày 8/3 hiện nay, không chỉ là khoảng thời gian để tôn vinh những người phụ nữ, mà là một cơ hội để vun đắp tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa. Bên cạnh món quà, lời chúc ý nghĩa dành cho các bà, các mẹ, chị em cơ quan, đồng nghiệp, cô giáo,... Thì những cặp đôi yêu nhau dành thời gian để đi chơi, xem phim, mua sắm. Vì vậy, không ít người độc thân rơi vào hoàn cảnh “lẻ bóng” trong những ngày này, trở thành đối tượng để gia đình, người thân thúc giục chuyện kết hôn, sinh con.
Đặc biệt, vào ngày 8/3, còn là cơ hội để các bậc phụ huynh, bạn bè tụ tập nhau, tạo những buổi “xem mặt” kết nối tình duyên cho người còn độc thân. Việc này không có gì là xấu nếu như các đối tượng xem mắt có nhu cầu tìm bạn đời. Nhưng thực tế, rất nhiều người trẻ rơi vào tình cảnh “tiến thoái, lưỡng nan” khi bị bố mẹ, chị em, bạn bè “lừa” đi xem mắt, trá hình bằng buổi đi chơi tập thể.
Nhiều người trẻ đang đối diện với áp lực phải có người yêu vào ngày 8/3. (Ảnh minh họa, nguồn: shutterstock.com) |
Như câu chuyện của Phạm Minh Anh (32 tuổi, Hà Nội) cho biết, cô rất hài lòng với cuộc sống độc thân, tự chủ tài chính. Tuy nhiên, anh chị em họ của cô lại không cho là như vậy: “Chị họ của tôi thường xuyên thúc giục tôi lấy chồng, sợ em mình cô đơn, không ai chăm sóc khi về già”. Điều này dẫn đến việc trong ngày như mùng 8/3, mượn cớ rủ Minh Anh đi chơi chung, gặp mặt các anh chị em họ trong gia đình, cô thường xuyên phải tham gia các buổi xem mắt. Mặc dù rất nhiều lần Minh Anh từ chối tham gia, nhưng cô cũng không thế tránh được: “Từ chối mãi lại thành thiếu tôn trọng anh chị em trong gia đình. Mà đến buổi xem mắt, tôi và đối tượng chỉ ngồi nhìn nhau, ngượng ngùng chẳng biết nói gì. Mọi người cứ liên tục tạo điều kiện để tôi và bạn nam kia ở riêng với nhau, nhưng tôi chỉ thấy rất mệt mỏi, chán nản”. Cho nên, vào ngày 8/3, 20/10 và Tết Nguyên Đán... Minh Anh lại cảm thấy vô cùng áp lực, khi phải “vắt óc” suy nghĩ ra các lý do khác nhau để trốn tránh những buổi xem mắt.
“Đau đầu” với vấn đề quà tặng
Một vấn đề người trẻ đang đối diện vào ngày 8/3, là câu chuyện về quà tặng. Đối với nhiều chàng trai, 8/3 là khoảng thời gian, họ phải tốn khoản tiền không nhỏ để tặng hoa, quà cho những người phụ nữ ở xung quanh mình. Điều này vốn là câu chuyện bình thường diễn ra mỗi năm, nhưng với một số người đàn ông, việc tặng hàng chục món quà đã trở thành “nỗi ám ảnh”. Nguyễn Trung Đức (20 tuổi, Hà Nội), chia sẻ: “Tôi học ngành ngoại ngữ, lớp chỉ có duy nhất hai sinh viên nam. Đến 8/3, chúng tôi phải chuẩn bị quà cho hơn 40 nữ sinh trong lớp. Trước 8/3 khoảng một tháng, tôi và bạn nam còn lại phải thảo luận về khoản chi phí, tìm chỗ mua hoa sỉ (số lượng nhiều) giá rẻ”. Đức cho biết, đối với anh ngày 8/3 rất đặc biệt, để tri ân, thể hiện sự cảm thông, sẻ chia với phụ nữ, nên anh không muốn để bất kỳ bạn nữ nào trong lớp thiếu quà tặng: “Tuy nhiên, gần 8/3, hoa tăng giá rất cao, để chuẩn bị món quà tươm tất cho các bạn nữ trong lớp, chúng tôi phải lập kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm tiền từ tháng 2”.
Ngoài chi phí để mua hoa, “cánh mày râu” phải đối diện với vấn đề chọn lựa quà tặng cho người yêu, bạn đời của mình. Càng trưởng thành, giá trị các món quà của các chàng trai sẽ phải tăng theo cấp số nhân. Trần Phúc (30 tuổi, Hải Phòng), cho biết: “Cứ đến ngày 8/3, tôi lại “đau đầu”, lựa chọn quà tặng cho bạn gái”. Được biết, người yêu anh Phúc kém anh sáu tuổi, hai người yêu nhau từ khi cô gái còn là sinh viên năm nhất. Ban đầu, khi mới yêu nhau, anh tặng bạn gái một bó hoa kèm bưu thiếp và những đồ vật nhỏ nhắn, xinh xắn. Nhưng sau này, món quà bắt đầu được đổi thành quần áo, giầy dép, túi xách,...: “Ngày 8/3, hoa tặng bạn gái chắc chắn không thể thiếu. Bên cạnh đó, tôi phải tặng những món quà “chính” như túi xách, trang sức, nước hoa,... mà cô ấy đang thích”. Điều anh Phúc sợ nhất, đấy là không đoán được những “gợi ý” của bạn gái về các món quà. Cho nên gần đến ngày 8/3, chỉ cần một video clip về túi xách, nước hoa hay một cái đánh mắt nhìn bộ quần áo, giầy dép của người yêu, anh Phúc sẽ phải ghi nhớ thật kĩ, vì đó có thể là “kim chỉ nam” giúp anh mua đúng món đồ bạn gái đang mong đợi. Anh Phúc than thở: “Trước đây, tôi không suy nghĩ nhiều như vậy. Sau một vài lần, thấy bạn gái giận dỗi, không nói chuyện, chê tôi thiếu tinh tế, tôi dần dần có kinh nghiệm để chọn quà đúng theo nhu cầu của người yêu”.
Không chỉ ngày 8/3, người phụ nữ cần được yêu thương, tôn trọng trong tất cả các ngày trong năm. (Ảnh minh họa, nguồn: Manulife) |
Nhưng không chỉ nam giới gặp vấn đề về hoa, quà tặng, mà ngay cả các chị em, cũng gặp những trường hợp “dở khóc, dở cười”. Như câu chuyện của chị Tường Lan (38 tuổi, Nghĩa Tân, Hà Nội), cứ mỗi năm, chồng và hai con trai trong gia đình sẽ chuẩn bị món quà bất ngờ cho mẹ. Chị nhớ nhất một mùng 8 tháng 3, khi nhận được bữa cơm thịnh soạn hơn 10 món nóng sốt ngay lúc đi làm về. Bữa ăn được trang trí cầu kỳ, tỉ mỉ với những món chị yêu thích và lời nhắn giàu tình cảm của ba bố con. Nhưng chẳng vui được bao lâu, chị đã “tái mặt” trước căn bếp: “Có đến một chồng bát đĩa, năm sáu chiếc chảo, xoong, nồi bẩn đang ở trên chậu rửa. Rổ, rá, rau, thịt vương vãi khắp bếp để lại hàng loạt vệt ố vàng”. Dù rất cảm động vì bữa ăn, nhưng chị Tường Lan đã phải mất cả đêm để dọn dẹp, rửa bát đĩa, cọ vết ố vàng trên sàn, trên tường. Ngày 8/3 vốn là một ngày vui của người phụ nữ bỗng chốc biến thành “thảm họa”, ám ảnh người mẹ, người vợ.
Đặc biệt, đối với nhiều cô gái 8/3 được nhận nhiều hoa là một niềm hạnh phúc. Trái ngược lại, Phương thúy (32 tuổi, Hà Nội), cô bị dị ứng phấn hoa từ nhỏ. Cứ đến 8/3, đối với người nhà, bạn bè thân thiết sẽ không gửi hoa cho cô. Tuy nhiên, với các chàng trai mới quen, đồng nghiệp, đối tác,... cô thường xuyên nhận được bó hoa: “Có năm, tôi nhận được 5 - 6 bó hoa lớn từ cơ quan, cho đến học sinh cũ, đối tác, người yêu, đồng nghiệp trong một ngày. Việc hít phải quá nhiều phấn hoa khiến tôi dị ứng nặng, chân tay, mặt mũi sưng phồng và phải vào viện để điều trị”. Qua lần bị dị ứng nghiêm trọng, Phương Thúy cũng thường gửi lời cảm ơn và thông báo trên mạng xã hội để người thân quen, học sinh cũ, đồng nghiệp không tặng hoa cô vào những dịp lễ Tết đặc biệt.
Mặc dù ngày 8/3 rất quan trọng, đó là dịp để tri ân, san sẻ, quan tâm và bày tỏ tình yêu thương đối với người phụ nữ. Nhưng “cánh mày râu” cũng không nên đặt nặng việc tặng quà cáp. Vì điều mà các chị em hạnh phúc nhất chính là nhận được sự yêu thương, tôn trọng, cùng gánh vác, san sẻ công việc và gia đình trong tất cả các ngày, tháng, năm.