Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, mùa khô 2019-2020 mặc dù xâm nhập mặn đến sớm và có độ mặn cao hơn nhưng nhờ sự chủ động thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp cấp bách nên thiệt hại do hạn, mặn gây ra đã được kéo giảm xuống mức thấp nhất, giảm hơn 70%, tương đương với giảm 139 tỉ đồng so với mùa khô năm 2015-2016.
Trước những kết quả đó, mùa khô 2020 – 2021, tỉnh Long An đã sắp xếp lịch thời vụ lúa Đông Xuân sớm hơn 1 tháng so với trung bình nhiều năm nhằm chủ động “né” hạn, mặn. Không những thế, tỉnh còn chỉ đạo chuyển đổi sản xuất theo hướng thích ứng quy luật tự nhiên để bảo đảm sản xuất, giảm thiểu thiệt hại, khuyến cáo người dân nên sử dụng các giống lúa như OM 5451, OM 576, OM 7347 vừa có khả năng chống chịu mặn, vừa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Cùng với việc chủ động xuống giống sớm trong vụ lúa Đông Xuân, việc chuyển đổi sang các loại cây trồng khác cũng là một biện pháp an toàn. Các huyện chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn, mặn từ các năm trước như Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa,… đã áp dụng mô hình chuyển đổi lúa sang các loại rau màu như đậu bắp, khổ qua, bầu, bí,... Việc này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân tại địa phương.
Người dân chủ động xuống giống sớm vụ Đông Xuân 2020-2021 (Ảnh: Bùi Tùng) |
Ông Nguyễn Chí Thiện - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, hiện nay sản xuất nông nghiệp tại tỉnh đang chuyển đổi theo hướng thích ứng quy luật tự nhiên với việc áp dụng theo cơ cấu “3 chuyển dịch”: Chuyển dịch lịch thời vụ, chuyển dịch giống và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đây được xem là một trong những giải pháp căn cơ để tỉnh ứng phó với hạn, mặn nhằm giảm tổn thất do ảnh hưởng biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt và bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân.
Nhờ chủ động áp dụng cơ cấu “3 chuyển dịch”, công tác tuyên truyền về nguy cơ xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021 và khuyến cáo người dân chủ động trong sản xuất để phòng tránh thiệt hại được đẩy mạnh.
Các công tác tuyên truyền về nguy cơ xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021 và khuyến cáo người dân chủ động trong sản xuất để phòng tránh thiệt hại được đẩy mạnh. Nhiều người dân đã thay đổi tư duy, có cách nhìn mới về việc chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng để phát triển ngành nông nghiệp cũng như tăng nguồn kinh tế, thu nhập.
Việc chủ động áp dụng cơ cấu “3 chuyển dịch” đã hạn chế nguy cơ mất trắng như những mùa hạn, mặn trước. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với người dân Long An nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung.